Sửa chữa, khắc phục hư hỏng khe co giãn cầu Sông Nhơm và một số đoạn trên tuyến cao tốc bắc-nam

NDO - Ngày 27/3, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đã có công điện yêu cầu các đơn vị, cơ quan liên quan nhanh chóng khắc phục, sửa chữa dứt điểm hư hỏng, khiếm khuyết tại dự án đường cao tốc bắc-nam, đoạn bắc hầm Tam Điệp-Diễn Châu và đoạn Cam Lộ-La Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Khe co giãn cầu Sông Nhơm bị bong bật, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Khe co giãn cầu Sông Nhơm bị bong bật, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Hai đoạn tuyến này đã được đưa vào khai thác từ năm 2024, hiện xuất hiện một số hư hỏng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông; đặc biệt là hư hỏng các khe co giãn cầu trên tuyến (như khe co giãn cầu Sông Nhơm Km341+182 bị bong bật ngày 6/2/2025 và một số vị trí khác), tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông trên tuyến đường cao tốc.

Ngay sau đó, Cục Đường bộ Việt Nam đã có nhiều văn bản đôn đốc các ban quản lý dự án và báo cáo Bộ Xây dựng về việc yêu cầu các đơn vị thi công khắc phục hư hỏng theo trách nhiệm bảo hành.

Để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến cao tốc, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Ban Quản lý dự án khẩn trương tổ chức thực hiện sửa chữa đối với các khe co giãn đã có hiện tượng vỡ bê-tông, bong bật bu lông, có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông, yêu cầu các nhà thầu triển khai sửa chữa khắc phục ngay, hoàn thành trước 30/4/2025. Việc sửa chữa phải được nhà thầu lập phương án xử lý, biện pháp thi công chi tiết, trình ban quản lý dự án chấp thuận nhằm bảo đảm yêu cầu về chất lượng công trình và bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công.

Sửa chữa, khắc phục hư hỏng khe co giãn cầu Sông Nhơm và một số đoạn trên tuyến cao tốc bắc-nam ảnh 2

Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Ban Quản lý dự án khẩn trương tổ chức thực hiện sửa chữa các khe co giãn bị bong bật, yêu cầu các nhà thầu triển khai sửa chữa khắc phục ngay, hoàn thành trước 30/4/2025.

“Trường hợp Ban Quản lý dự án và các nhà thầu chậm triển khai sửa chữa, khắc phục hư hỏng nêu trên, để xảy ra mất an toàn giao thông do nguyên nhân liên quan tới các hư hỏng này, Ban quản lý dự án và các nhà thầu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”, ông Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Đường bộ Việt Nam khẳng định..

Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các Ban Quản lý dự án tổ chức rà soát lại tổng thể toàn bộ công tác thiết kế, thi công đối với hạng mục khe co giãn trên tuyến nhằm đánh giá nguyên nhân của các hư hỏng và biện pháp khắc phục trước mắt cũng như lâu dài về hiện tượng hư hỏng nhiều đối với khe co giãn nêu trên; trong đó đặc biệt lưu ý nội dung đánh giá về sự phù hợp của các loại khe co giãn đang được sử dụng trên các tuyến cao tốc nêu trên, kết quả rà soát đề nghị gửi về Cục Đường bộ trước ngày 30/4/2025.

Khu quản lý đường bộ I, II được giao phối hợp chặt chẽ với các ban quản lý dự án thực hiện công tác phân luồng, tổ chức giao thông trong thời gian sửa chữa khắc phục các hư hỏng nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến; kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác sửa chữa khắc phục các hư hỏng theo đúng phương án, biện pháp thi công được ban quản lý dự án chấp thuận và tuân thủ quy định hiện hành có liên quan,...