Phân luồng phương tiện như thế nào?
Báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, dự án đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn được triển khai từ tháng 9/2019 và cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác từ cuối năm 2022, phát huy hiệu quả cao khi thu hút một lượng lớn phương tiện tham gia giao thông, góp phần chia sẻ lưu lượng phương tiện trên quốc lộ 1.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Ảnh, Phó Cục trưởng Đường bộ Việt Nam thừa nhận, việc chưa đưa vào thu phí tuyến cao tốc này dẫn đến thu hút nhiều loại phương tiện tham gia giao thông, nhất là các xe tải trọng lớn, xe container, làm mất cân bằng về lưu lượng phương tiện và khả năng thông hành của cả 2 tuyến đường.
Phân luồng, cấm phương tiện xe tải nặng, xe khách đi vào đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn. |
Theo phương án phân luồng, điều tiết giao thông của Cục Đường bộ Việt Nam, các xe khách hơn 30 chỗ, xe đầu kéo, xe tải từ 6 trục trở lên lưu thông trên quốc lộ 1 hướng từ phía bắc vào, khi đến ngã tư Sòng (giao giữa quốc lộ 1 và tỉnh lộ 71, xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) sẽ tiếp tục đi thẳng theo quốc lộ 1, không rẽ phải vào tỉnh lộ 71 để vào đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn như trước đây.
Tương tự, các loại xe trên nếu lưu thông trên đường Hồ Chí Minh nhánh đông theo hướng bắc-nam, khi đến phía bắc cầu Đuồi rẽ trái vào tỉnh lộ 71 để vào quốc lộ 1 đoạn cửa ngõ phía bắc thành phố Đông Hà (ngã tư Sòng), hoặc tiếp tục đi thẳng phía trước thêm khoảng 4,5 km, đến quốc lộ 9 rẽ trái theo quốc lộ 9 về hướng thành phố Đông Hà (Quảng Trị).
Khi đến ngã 3 giao quốc lộ 9 với quốc lộ 9D, lái xe có thể lựa chọn các hướng đi phù hợp ra quốc lộ 1 bằng cách đi thẳng hoặc rẽ trái/phải vào quốc lộ 9D.
Đối với các phương tiện nêu trên lưu thông trên quốc lộ 1 theo hướng nam-bắc, khi đến ngã 3 La Sơn (xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) tiếp tục đi theo quốc lộ 1 về hướng thành phố Huế, không rẽ trái vào tỉnh lộ 14B để vào đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn. Trường hợp các phương tiện lưu thông trên tuyến La Sơn-Hòa Liên, khi ra đến nút giao đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn sẽ không tiếp tục chạy vào đường cao tốc mà rẽ ra tỉnh lộ 14B để về quốc lộ 1 tại ngã ba La Sơn.
Giao đầu mối nghiên cứu mở rộng đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn
Kết quả đếm xe của Công ty cổ phần tư vấn Trường Sơn cũng thể hiện, lưu lượng phương tiện trung bình trên tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn đã chớm ngưỡng mãn tải; trong khi đó, lưu lượng trên quốc lộ 1 chạy song hành vẫn còn dư khoảng 6.000 PCU (xe tiêu chuẩn)/ngày đêm.
Ông Nguyễn Xuân Ảnh, Phó cục trưởng Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, trong mọi trường hợp, khi tham gia giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn (phân kỳ đầu tư), người điều khiển phương tiện phải chấp hành quy tắc giao thông, đi đúng làn đường, phần đường quy định, chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy và khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước, tuân thủ quy định về chuyển hướng, vượt xe, tránh xe đi ngược chiều, tuân thủ Luật Giao thông đường bộ 2008 và các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
Tuyến đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn có quy mô 2 làn xe, khoảng 8-10km mới bố trí một điểm tránh vượt, khi xe tải nặng đi tốc độ chậm khiến các xe phía sau có tâm lý ức chế, dễ gây vượt tự phát. |
Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Khu Quản lý đường bộ 2, Sở Giao thông vận tải các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, lực lượng cảnh sát giao thông cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, bổ sung biển báo cấm, biển chỉ dẫn tại các nút giao ra, vào tuyến và các đường địa phương, quốc lộ có kết nối với tuyến Cam Lộ-La Sơn, phù hợp với phương án phân luồng giao thông.
Các đơn vị nêu trên theo dõi sát diễn biến tổ chức giao thông trên tuyến, phát hiện và xử lý kịp thời bất cập phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm; đề xuất cấp thẩm quyền giải pháp khắc phục nếu vượt quá thẩm quyền hoặc ngoài phạm vi trách nhiệm.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng giao Khu Quản lý đường bộ 2 có trách nhiệm phối hợp Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh triển khai quyết định này; hướng dẫn cụ thể loại biển báo cần lắp đặt bổ sung (biển báo chính và biển báo phụ nếu thấy cần thiết để phù hợp việc điều tiết, phân luồng); cử người tham gia xác định vị trí đặt biển; kiểm tra, đôn đốc trong quá trình thực hiện; theo dõi, đánh giá tình hình trật tự an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn, quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường bộ có liên quan; kiến nghị các giải pháp nếu thấy cần thiết.
Điều hướng phương tiện sang quốc lộ 1
Đối chiếu số liệu đếm xe của đơn vị tư vấn thiết kế (do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lựa chọn) và số liệu thu thập tại các trạm thu phí trên quốc lộ 1, Cục Đường bộ Việt Nam nhận định, với năng lực thông hành của tuyến cao tốc là 9.200-11 nghìn PCU/ngày đêm và quốc lộ 1 là 31-33 nghìn PCU thì tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn đã mãn tải, còn trên quốc lộ 1 vẫn chưa mãn tải, có thể cho phép phân luồng một số xe sang tuyến quốc lộ 1.
Theo dõi trong thời gian đưa vào khai thác tạm đến nay (15 tháng), với đặc thù quy mô mặt cắt ngang còn hạn chế (2 làn xe), điều kiện địa hình đi qua các vùng đồi núi, về đêm hay có hiện tượng sương mù làm mặt đường ẩm ướt, trơn trượt, tầm nhìn hạn chế, các xe tải nặng khi đi trên các đoạn đèo dốc thực tế tốc độ chỉ đạt 35-40km/giờ so với yêu cầu 60km/giờ.
Tuyến đường này chỉ có quy mô 2 làn xe, khoảng 8-10km mới bố trí một điểm tránh vượt, việc xe tải nặng leo dốc với tốc độ chậm dẫn đến các xe phía sau phải xếp hàng gây tâm lý ức chế đối với người tham gia giao thông, dễ xảy ra việc vượt xe tự phát tại những vị trí cấm vượt, tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và giảm năng lực thông hành.
Theo thống kê, phần lớn các vụ tai nạn trên tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn thời gian qua đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan xe tải nặng. |
Do điều kiện địa hình đồi dốc, xe tải nặng dễ bị hư hỏng, kết hợp mặt cắt ngang đường hẹp, khi xe bị sự cố phải dừng đỗ, chiếm một phần làn xe chạy, dễ gây tai nạn cho các xe cùng chiều khi lái xe thiếu tập trung quan sát hoặc gặp điều kiện thời tiết bất lợi, tầm nhìn bị hạn chế (phần lớn các vụ tai nạn thời gian qua đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan xe tải nặng). Đối với nhóm xe khách, trên tuyến có nhiều vực sâu, nếu xảy ra tai nạn, sẽ có nguy cơ thương vong cao.
Thực tế thời gian khai thác tạm vừa qua, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh từng kiến nghị và được Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế ủng hộ phân luồng, cấm xe tải nặng trọng tải từ hơn 10 tấn lưu thông trong thời gian 4 tháng để thi công điểm sụt trượt tại km69+800 và thực tế số vụ tai nạn trên quốc lộ 1 trong thời gian này không tăng đột biến so với những tháng trước đó.
Các đơn vị chức năng đã thống nhất sẽ phân luồng khoảng 3.000 PCU sang các tuyến khác, không đi vào tuyến Cam Lộ-La Sơn. Việc phân luồng xe khách lớn cũng phù hợp với điều kiện hạn chế về quy mô giai đoạn phân kỳ đầu tư, chưa đầu tư các trạm dừng nghỉ, cửa hàng xăng dầu. Mặt khác, nhiều đoạn trên tuyến cao tốc chưa được phủ sóng viễn thông, trường hợp xảy ra tai nạn hoặc xe bị hư hỏng, khó liên lạc được với lực lượng chức năng để được trợ giúp kịp thời.
Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh triển khai các thủ tục đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn lên 4 làn xe hoàn chỉnh. Nếu được Quốc hội thông qua và cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, dự kiến dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025, khi đó sẽ bảo đảm khai thác an toàn cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến, đồng thời giảm tải đáng kể cho quốc lộ 1.
Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phủ sóng viễn thông trên các tuyến đường bộ cao tốc, nhất là hai tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn và La Sơn-Túy Loan. Lãnh đạo Bộ cho biết, đến nay cả nước đã đưa vào khai thác, sử dụng gần 1.900 km đường cao tốc, các tuyến đường này khi đưa vào khai thác đã tạo động lực, không gian phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Bộ Giao thông vận tải đánh giá, đường bộ cao tốc là công trình cấp kỹ thuật cao, hiện đại, được quản lý, vận hành bằng hệ thống giao thông thông minh (ITS), do đó cần thiết phải có đầy đủ dịch vụ viễn thông, bảo đảm kết nối liên thông, đồng bộ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc chưa được phủ sóng điện thoại di động, chưa được cung cấp các dịch vụ viễn thông, điển hình là hai tuyến Cam Lộ-La Sơn, La Sơn-Túy Loan.
Bộ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, sớm phủ sóng điện thoại di động, cung cấp dịch vụ viễn thông trên các tuyến cao tốc để nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý vận hành, bảo đảm an toàn giao thông, cứu hộ, cứu nạn trên đường cao tốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối thông tin của người dân, doanh nghiệp.