Chính thức đưa cao tốc Cam Lộ-La Sơn vào khai thác, sử dụng

NDO - Ngày 31/12, tại nút giao cầu Tuần, xã Hương Thọ (TP Huế) Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ khánh thành dự án thành phần Cam Lộ-La Sơn thuộc “Dự án xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam phía Đông giai đoạn 1 (2017-2022)”.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lộ-La Sơn.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lộ-La Sơn.

Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Giao thông vận tải; Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Quân khu 4, UBND các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị cùng các sở, ban, ngành tại địa phương.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bảo đảm tiến độ

Dự án cao tốc đoạn Cam Lộ-La Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, gồm 11 gói thầu xây lắp và được khởi công hai gói thầu đầu tiên ngày 16/9/2019, khởi công gói thầu cuối cùng ngày 29/4/2020.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Vũ Quý cho biết, dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn có điểm đầu tại km0+00 (giao với Quốc lộ 9 tại km10+380), thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối tại km102+200 (La Sơn), trùng với km4+500 Tỉnh lộ 14B, trùng với điểm đầu dự án La Sơn-Túy Loan, thuộc xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Giai đoạn đầu, dự án đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m (riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m). Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23m; các cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.

Dự án cao tốc đoạn Cam Lộ-La Sơn có tổng chiều dài hơn 98,3km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài 37,3km, đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế 61km.

Dự án đi qua các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) và các huyện, thị xã: Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy và Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế).

“Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, sự phối hợp chặt chẽ, ủng hộ của chính quyền và người dân địa phương nơi dự án đi qua... Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, tuân thủ pháp luật trong tất cả các khâu, từ công tác khảo sát thiết kế, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công.... Sau thời gian tích cực triển khai, dự án đã hoàn thành tuyến chính trước ngày 30/11/2022”, ông Quý chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Vũ Quý, trong quá trình triển khai thi công, dự án đã gặp những khó khăn, thách thức như dịch bệnh Covid-19 bùng phát, điều kiện thời tiết khu vực miền trung khắc nghiệt mưa nhiều, đặc biệt năm 2020 xảy ra lũ trên cả mức lịch sử; giá cả nguyên, nhiên, vật liệu có thời điểm tăng đột biến, khan hiếm, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ của dự án...

Chính thức đưa cao tốc Cam Lộ-La Sơn vào khai thác, sử dụng ảnh 1

Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, nỗ lực của các chủ thể tham gia dự án, đến nay dự án đã bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thành theo đúng hồ sơ thiết kế, được thẩm định, phê duyệt đúng quy định; hồ sơ hoàn thành công trình đầy đủ và đã tổ chức nghiệm thu công trình, bảo đảm công trình đủ điều kiện khai thác và đáp ứng quy định của pháp luật chuyên ngành.

“Hiện, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ, cùng các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các công việc còn lại theo đúng tiến độ yêu cầu, bảo đảm chất lượng”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đều nhấn mạnh, dự án Cam Lộ-La Sơn thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc bắc-nam phía Đông là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cả nước cũng như 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn hoàn thành, đưa vào khai thác là một trong những cung đường đẹp, kết nối liên thông các tỉnh miền trung, đi qua vùng có nhiều quần thể di tích, danh lam, thắng cảnh; mở ra tuyến giao thông huyết mạch mới - song hành, giảm tải cho các trục giao thông bắc-nam; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng cho khu vực...

“Dự án hoàn thành đúng tiến độ, đúng thời điểm và bảo đảm chất lượng, thể hiện sự quyết tâm cao của các đơn vị ngành giao thông, đặc biệt khẳng định quyết tâm của Bộ trưởng Giao thông Vận tải, xem tiến độ và chất lượng công trình là danh dự của ngành giao thông”, ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ.

Dự án tạo tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền trung

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả, trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương cũng như các địa phương, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung nỗ lực, quyết liệt chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành đầu tư các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, trong đó có dự án thành phần đoạn Cam Lộ-La Sơn.

Chính thức đưa cao tốc Cam Lộ-La Sơn vào khai thác, sử dụng ảnh 2

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu và tuyên bố khánh thành đưa dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn vào khai thác.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Dự án thành phần đoạn Cam Lộ-La Sơn thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 có ý nghĩa quan trọng, khởi đầu cho việc hình thành một tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, cùng với các tuyến đường cao tốc La Sơn-Túy Loan, Đà Nẵng-Quảng Ngãi tạo thành trục động lực xuyên miền trung, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và liên vùng.

Dự án đi qua hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của hai tỉnh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, mở ra nhiều cơ hội đầu tư, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội của hai tỉnh nói riêng và khu vực Trung Bộ, đặc biệt đã đánh dấu mốc quan trọng, là một trong các tuyến cao tốc bắc-nam phía đông đầu tiên hoàn thành, góp phần tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh đáp ứng chiến lược phát triển giao thông vận tải và kinh tế-xã hội của cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, để dự án có thể triển khai thuận lợi, kịp thời đưa khai thác sử dụng, ngoài sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ, hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm nguồn vật liệu cung cấp phục vụ thi công dự án.

Tôi đặc biệt đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu của các cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động trên công trường đã vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, mưa lũ khắc nghiệt, đại dịch Covid-19 và đặc biệt là giá cả nguyên vật liệu biến động mạnh trong giai đoạn dự án đi vào cao điểm hoàn thiện; đã làm việc không quản ngại ngày đêm, triển khai công trình bảo đảm chất lượng, tiến độ để đưa công trình vào khai thác và phát huy hiệu quả...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Giao thông vận tải đánh giá cao hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đã tạo mọi điều kiện thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng và phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các chủ thể có liên quan từ đại diện chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đến các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công.

Chính thức đưa cao tốc Cam Lộ-La Sơn vào khai thác, sử dụng ảnh 3

Tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn đã hoàn thành và đưa vào khai thác.

Trong thời gian tới, dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị các đơn vị thuộc ngành Bộ Giao thông vận tải phối hợp với chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, phấn đấu hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông theo Nghị quyết 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội.