Sự kiện lần này do Công ty Balaji Enterprises (Ấn Độ) tổ chức. Triển lãm năm nay quy tụ các nhà sản xuất vải denim lớn từ Việt Nam và hơn 10 quốc gia trên thế giới, giới thiệu những đổi mới quan trọng trong sản xuất với trọng tâm là phát triển bền vững.
Chủ đề của triển lãm năm nay là “Room to Roam”, ngụ ý tạm hiểu là vải denim có đủ cơ hội để tiếp tục phát triển. Chủ đề cũng phản ánh khả năng của vải denim trong việc thâm nhập và lan tỏa đến các phân khúc khác nhau của dân số - đi sâu vào các cách thức sử dụng hằng ngày của con người, và lan tỏa các giá trị trên hành trình phát triển sản xuất bền vững.
Trong khuôn khổ triển lãm, dự kiến sẽ có các cuộc thuyết trình, chia sẻ kiến thức về văn hóa thời trang từ các chuyên gia toàn cầu. Ông David Tring, có hơn 30 năm kinh nghiệm tại các công ty denim lớn, sẽ chia sẻ về “Jeaneration Z-Xu hướng denim tại Mỹ-Độ tuổi 12-27”; ông Mitchell Vassi (Giáo sư tại Trường cao đẳng Thiết kế và Thời trang London-Hà Nội) và một người phụ nữ dân tộc Thái (Việt Nam) sẽ thuyết trình về vai trò của các nhóm dân tộc trong việc bảo tồn truyền thống; ông Yuzi Honzawa, người thiết lập kinh doanh denim của Uniqlo và nhiều thương hiệu khác tại Nhật Bản, sẽ chia sẻ về các thương hiệu denim hàng đầu Nhật Bản…
Khách tham quan một số mẫu quần vải denim tại triển lãm Denimsandjeans lần thứ 5 năm 2023 (Thành phố Hồ Chí Minh). |
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ triển lãm sẽ còn có cuộc hội thảo với chủ đề “Dệt nên tương lai: Kết nối ngành công nghiệp denim và giáo dục”, tập trung vào nhu cầu giáo dục về denim và việc tìm kiếm các chuyên gia denim có tay nghề cao tại Việt Nam.
Triển lãm sẽ có khu vực dành riêng cho các thương hiệu nội địa của Việt Nam trưng bày các sản phẩm denim sáng tạo của mình, trong đó có các sản phẩm từ denim tái chế. Đây là cơ hội để khách tham quan trong nước và quốc tế trải nghiệm và sở hữu các sản phẩm chất lượng cao được sáng tạo ra bởi những người Việt Nam.
Triển lãm cũng sẽ dành cho những người Việt Nam có sản phẩm denim chất lượng cao một khu vực đặc biệt để dễ dàng gặp gỡ những người có tư duy toàn cầu trong ngành denim.
Khi đến triển lãm, khách tham quan quốc tế và Việt Nam sẽ có cái nhìn sâu hơn về năng lực sản xuất denim của Việt Nam. Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 65 triệu đến 70 triệu sản phẩm quần áo denim mỗi năm và số lượng này dự kiến sẽ tăng lên trong năm 2024, với các đơn đặt hàng lớn đang nhiều dần và dòng vốn đầu tư được thực hiện ngày càng tăng để tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).
Theo các chuyên gia, Việt Nam không nên sản xuất các sản phẩm với giá rất thấp mà cần chuyên về các danh mục sản phẩm tầm trung và cao cấp với các tiêu chuẩn bền vững hơn nữa. Dự báo, ngành dệt may vải denim của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng hơn 10% mỗi năm trong vòng 5-7 năm tới.