Triển lãm quốc tế về thiết bị, công nghệ in thêu, sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may

NDO -

Ngày 21/9, tại Trung tâm Triển lãm WTC EXPO (tỉnh Bình Dương) đã diễn ra Lễ khai mạc “Triển lãm quốc tế thiết bị, công nghệ in thêu, sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may tại Việt Nam (ITCPE - VIETNAM TEXPRINT 2023)".

0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc triển lãm.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc triển lãm.

Diễn ra từ ngày 21-23/9/2023, triển lãm do Công ty cổ phần Hội chợ Triển lãm và quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Allallinfo Media Việt Nam (thuộc Tập đoàn Allallinfo Media Hồng Kông) phối hợp tổ chức quy tụ 200 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu các sản phẩm, công nghệ tiên tiến nhất cho ngành công nghiệp in thêu, gia công trang phục, sản xuất vải, cung ứng sản phẩm và nguyên phụ liệu cho ngành dệt may…

Triển lãm quốc tế về thiết bị, công nghệ in thêu, sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may ảnh 1
Một dây chuyền in thêu của doanh nghiệp nước ngoài tại triển lãm.

Dệt may là ngành công nghiệp chủ đạo, đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu bền vững trung bình từ 8%-15%/năm, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.

Hiện nay, ngành này sử dụng hơn 2 triệu lao động, xuất khẩu hơn 40 tỷ USD/năm, với thu nhập trung bình của người lao động đạt khoảng 8,5 triệu đồng/người/tháng.

Triển lãm là sự kiện quốc tế chuyên ngành lần đầu tiên về lĩnh vực này được tổ chức tại Bình Dương nhằm tạo thuận lợi cho các tỉnh, thành phố tập trung nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh... có cơ hội quảng bá, phát huy vai trò là cầu nối liên kết các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, thúc đẩy sản xuất, ổn định thị trường trong nước và xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới.

Triển lãm quốc tế về thiết bị, công nghệ in thêu, sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may ảnh 3
Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tại triển lãm.

Triển lãm còn là nơi giúp cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác liên doanh liên kết, mở rộng thị trường, tiếp cận với công nghệ sản xuất và nguồn nguyên phụ liệu mới.

Đây cũng là dịp giúp các doanh nghiệp ngành dệt may trong nước đẩy mạnh đầu tư công nghệ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, phát triển của ngành dệt may Việt Nam theo tiêu chí “Thương mại xanh, công nghiệp xanh”.

Tại triển lãm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) sẽ chủ trì phối hợp cùng các cơ quan hữu quan, các công ty, tập đoàn dệt may trong nước và quốc tế; lãnh đạo, đại diện các khu công nghiệp, khu chế xuất… tổ chức “Hội thảo - Tọa đàm ngành In-Thêu-Dệt May 2023” với nội dung chính: Chuyển đổi kỹ thuật số và tính bền vững trong in ấn-dệt may; công nghệ in nhãn - giải pháp chống hàng giả ngành dệt may; giải pháp in vải tùy chỉnh cho các doanh nghiệp...

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Nguyễn Thái Hùng cho biết, thông qua triển lãm sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt, nhuộm in, sản xuất vải, phụ liệu dệt may và trang phục tìm hiểu các công nghệ in mới, hiện đại.

Đây còn là cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia trong nước và quốc tế; tạo điều kiện, quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm của đơn vị; từ đó có định hướng đầu tư máy móc thiết bị công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu và mục tiêu phát triển xanh và bền vững của ngành dệt may Việt Nam.