Sáng kiến ADi do Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) phối hợp Tổ chức di cư quốc tế (IOM), các nước châu Phi, cộng đồng kinh tế khu vực và các đối tác triển khai thực hiện. Sáng kiến này là nền tảng tập hợp thành viên các đoàn ngoại giao, nghị sĩ và các nhà lãnh đạo để cùng thảo luận các chính sách nhằm định hình việc quản lý người di cư và lao động di cư ở châu Phi.
Phát biểu trong cuộc họp tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Tổng Giám đốc IOM Amy Pope kêu gọi tìm giải pháp toàn diện và mang tính chiến lược hơn, cũng như đưa ra chính sách nhân đạo đối với người di cư châu Phi. Bà Pope cho rằng, những con đường thông thường và được quản lý có thể giúp việc di cư trở nên an toàn hơn và giảm tình trạng di cư bất hợp pháp nguy hiểm, cải thiện khả năng xác định những người nhập cảnh, quá cảnh hoặc lưu trú trong một lãnh thổ, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và góp phần phát triển bền vững.
Sáng kiến mới được đưa ra trong bối cảnh vấn đề di cư đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thảo luận về địa chính trị và kinh tế xã hội toàn cầu. Các nước châu Phi cũng đang tìm hướng giải quyết cho các vấn đề chính sách chung quanh việc hồi hương, tiếp nhận và tái hòa nhập người di cư. Việc bảo vệ những người di cư và lao động hồi hương, đúc rút bài học kinh nghiệm của các quốc gia thành viên AU về chính sách quản lý di cư cũng được các nước châu lục quan tâm.
Bên cạnh làn sóng di cư chạy trốn xung đột, hiện tại châu Phi đang gia tăng tình trạng di cư do khí hậu. Chủ tịch Liên minh các Hội đồng kinh tế-xã hội và các tổ chức tương tự của châu Phi (UCESA), ông Ahmed Reda Chami dẫn dự báo về xu hướng di cư ở châu Phi cho thấy, vào năm 2050, khoảng 86 triệu người châu Phi sẽ di cư bên trong lục địa này, nếu không quyết liệt hành động nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Các đối tác tham gia sáng kiến đều cam kết duy trì ADi để hài hòa các ý tưởng và ủng hộ việc di cư an toàn, có trật tự và nhân đạo, trong tình đoàn kết và sự nhất trí cao. Ngăn chặn di cư bất hợp pháp, đưa ra các biện pháp pháp lý chống lại hành vi phi đạo đức và bóc lột, đưa người di cư trở thành một nhân tố đóng góp cho thị trường lao động, góp phần phát triển bền vững là những vấn đề cần được giải quyết. Các nước châu Phi nằm trong các khu vực có vị trí địa chính trị quan trọng gánh trách nhiệm thúc đẩy đối thoại về quan điểm chính sách di cư và lao động của châu Phi.
Trong những năm gần đây, châu Phi đã chứng kiến các mô hình di cư ngày càng phát triển, đánh dấu một sự thay đổi trong đời sống xã hội của châu lục, song cũng là vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bên cạnh làn sóng di cư chạy trốn xung đột, hiện tại châu Phi đang gia tăng tình trạng di cư do khí hậu. Chủ tịch Liên minh các Hội đồng kinh tế-xã hội và các tổ chức tương tự của châu Phi (UCESA), ông Ahmed Reda Chami dẫn dự báo về xu hướng di cư ở châu Phi cho thấy, vào năm 2050, khoảng 86 triệu người châu Phi sẽ di cư bên trong lục địa này, nếu không quyết liệt hành động nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Trước nguy cơ này, các nhà quản lý cho rằng, các quốc gia cần khai thác những lợi thế phát sinh từ mối liên hệ giữa di cư và phát triển, khi châu Phi đang nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra trong Chương trình nghị sự năm 2063. Đối với một số cộng đồng nhất định, di cư đã phát triển thành một chiến lược sinh tồn quan trọng, đòi hỏi phải có tiếng nói thống nhất trong quản lý di cư.
Dòng người di cư, cả những người tại các nước trong châu lục lẫn những người từ châu Phi vượt hành trình nguy hiểm qua Địa Trung Hải để tìm đến “miền đất hứa châu Âu”, là vấn đề dai dẳng, làm đau đầu cả hai châu lục. Sáng kiến mới của châu Phi được kỳ vọng giúp châu lục tìm kiếm một tiếng nói chung và củng cố vị thế của châu Phi trong quản lý người di cư và lao động di cư, góp phần tìm lời giải cho bài toán di cư trên toàn cầu.