G20 cấp tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị G20, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo G20 đã đạt được đồng thuận về việc cấp tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU).
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, sáng 9/9, Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc tại Trung tâm hội nghị Bharat Mandapam ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Hội nghị sẽ kéo dài đến hết ngày 10/9.

Dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch Ấn Độ, hội nghị lần này được kỳ vọng tập trung thảo luận để đi đến đồng thuận về nhiều vấn để nổi bật của thế giới.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo G20 đã đạt được đồng thuận về việc cấp tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU).

Trong 7 năm qua, AU đã tích cực vận động để có được tư cách thành viên đầy đủ trong G20. Quyết định kết nạp liên minh của hơn 50 quốc gia châu Phi là một sự công nhận đáng kể về khả năng toàn cầu hóa ngày càng tăng của châu Phi.

Là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, Ấn Độ ưu tiên tăng cường tiếng nói của các quốc gia Nam Bán cầu và đưa chủ đề này thành trọng tâm trong chương trình nghị sự của nhóm. Trước khi kết nạp AU, các nước G20 chiếm 85% sản lượng kinh tế thế giới và 75% thương mại thế giới, đồng thời chiếm 2/3 dân số toàn cầu.

Ấn Độ đã nhiều lần khẳng định G20 có trách nhiệm đối với các chủ thể không phải là thành viên và khi làm như vậy, Ấn Độ đã tự khẳng định mình là tiếng nói của khu vực Nam bán cầu.

Tham dự hội nghị năm nay có nguyên thủ các nước thành viên G20 ngoại trừ Nga và Trung Quốc, cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế, khu vực như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế (ISA), Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thảm họa (CDRI), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Liên minh châu Phi (AU), Cơ quan Phát triển Liên minh châu Phi-Đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi (AUDA-NEPAD) và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Bên cạnh đó, nước Chủ tịch G20 cũng mời lãnh đạo các nước như Bangladesh, Ai Cập, Mauritius, Hà Lan, Nigeria, Oman, Singapore, Tây Ban Nha và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tham dự hội nghị.