Người di cư bất hợp pháp: Vấn đề nóng ở Địa Trung Hải

Tổ chức SOS Mediterranee cho biết, tàu cứu hộ Ocean Viking vừa giải cứu hơn 600 người di cư đang lênh đênh trên Địa Trung Hải. Từ đầu năm đến nay, trên tuyến đường vượt biển nguy hiểm nhất với người di cư này đã có ít nhất 1.848 người thiệt mạng khi tìm cách từ Bắc Phi đến Italia và Malta. Ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp là vấn đề nóng khiến các quốc gia ở cả hai bờ Địa Trung Hải phải đau đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Người di cư ngủ trên boong của tàu cứu hộ “Ocean Viking” trên biển Địa Trung Hải ngày 6/11/2022 (Ảnh: SOS Mediterranee/ Reuters)
Người di cư ngủ trên boong của tàu cứu hộ “Ocean Viking” trên biển Địa Trung Hải ngày 6/11/2022 (Ảnh: SOS Mediterranee/ Reuters)

Người phát ngôn của SOS Mediterranee cho biết, kể từ sáng 10/8 vừa qua, tổ chức này đã giải cứu được 623 người di cư trong 15 chiến dịch. Phần lớn người di cư đến từ Sudan, số còn lại từ Guinea, Côte d’Ivoire, Burkina Faso, Benin và Bangladesh. Một nhóm trong số này đã được đưa tới đảo Lampedusa, các nhóm còn lại được đưa tới cảng Civitavecchia, phía tây bắc thủ đô Rome của Italia.

Đây chỉ là một trong những chiến dịch giải cứu diễn ra hằng ngày trên Địa Trung Hải, một “điểm nóng di cư” của thế giới. Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) cho biết, với 132.370 người tìm cách vượt biên trái phép vào Liên minh châu Âu (EU), lượng người di cư bất hợp pháp đến EU trong sáu tháng đầu năm 2023 tăng 10% so với mức cùng kỳ năm trước. Số người di cư lựa chọn tuyến Trung Địa Trung Hải để nhập cảnh trái phép vào châu Âu tăng hơn 30% và chiếm hơn 50% tổng số người di cư vào châu Âu. Đáng chú ý, trong 10 năm qua, hơn 75% số người di cư thiệt mạng ở Địa Trung Hải khi chọn tuyến đường nguy hiểm này.

Nằm ở trung tâm khu vực Địa Trung Hải, Tunisia là một trong những điểm trung chuyển phổ biến nhất để người di cư bất hợp pháp vào châu Âu. Mặc dù chính quyền Tunisia đã ban hành các biện pháp nghiêm ngặt để giải quyết vấn đề, nhưng số người di cư trái phép từ Tunisia đến Italia vẫn tăng. Italia là điểm đến chính ở châu Âu đối với người di cư tìm cách đến tị nạn ở châu lục này. Khoảng 93.700 người di cư đến Italia bằng đường biển tính từ đầu năm nay, cao hơn so với con số 44.700 người trong cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, theo giới chức Maroc, quốc gia cũng là một điểm xuất phát của người di cư từ Bắc Phi, 26.000 trường hợp di cư bất thường đã được ngăn chặn trong năm tháng đầu năm nay.

Những vụ chìm tàu xảy ra thường xuyên trên tuyến đường biển ở Địa Trung Hải khiến các cơ quan của Liên hợp quốc kêu gọi tạo tuyến đường an toàn cho người di cư và người xin tị nạn hướng đến EU. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao hiệu quả quản lý dòng người di cư, đồng thời cảnh báo rằng, nếu các quốc gia không cam kết mạnh hơn nữa đối với hoạt động phối hợp cứu nạn trên biển, thảm kịch ở Địa Trung Hải chắc chắn tái diễn. UNHCR cùng Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã thúc đẩy cách tiếp cận thống nhất hơn đối với các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn người di cư. Các tổ chức này đã phối hợp với chính quyền địa phương ở Lampedusa của Italia, để hỗ trợ trong giai đoạn đưa người di cư lên bờ và tiếp nhận ban đầu. Các cơ quan của Liên hợp quốc cũng khẳng định rủi ro tăng cao khi những người di cư vượt biển bằng tàu sắt, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết bất lợi, đồng thời lên án những tổ chức buôn người.

Các nước ven Địa Trung Hải, ở Trung Đông và châu Phi đã nhất trí tìm cách giảm tình trạng di cư trái phép bằng việc quyết liệt ngăn chặn nạn buôn người và giảm áp lực khiến người dân rời bỏ quê nhà tìm đường đến châu Âu. Các quốc gia có dòng người di cư quá cảnh, chủ yếu là ở châu Phi, kêu gọi các bên liên quan chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm trong việc giải quyết tình trạng di cư ồ ạt. EU và Tunisia đã ký kết một thỏa thuận để ngăn người di cư trái phép vào khối này. EU và một số nước châu Phi cũng nhất trí “trị tận gốc” vấn đề người di cư bất hợp pháp thông qua các dự án tài trợ phát triển, xóa đói, giảm nghèo.

Nỗ lực phối hợp ngăn chặn dòng người di cư đang được tăng cường, song con số thảm kịch xảy ra trên Địa Trung Hải vẫn ở mức báo động. Điều này cho thấy, đây tiếp tục là vấn đề nóng và cần được giải quyết khẩn cấp.