"Bà tiên" vùng Sừng châu Phi

"Tài khoản ngân hàng của tôi trống rỗng, nhưng tài khoản của tôi trên thiên đường vô cùng đủ đầy", Edna Adan Ismail - một trong những phụ nữ có ảnh hưởng nhất châu Phi, đã trả lời như vậy khi được hỏi về hành trình nửa thế kỷ đấu tranh vì sức khỏe sinh sản tại Lục địa Đen.
0:00 / 0:00
0:00
"Bà tiên" vùng Sừng châu Phi

Ngã rẽ từ người cha

Tại quê hương Somaliland (Somalia), Edna Adan Ismail còn nổi tiếng hơn cả người đứng đầu nơi đây. Là người đoạt Giải thưởng Templeton năm 2023 vì những đóng góp to lớn cho sức khỏe phụ nữ, cuộc đời bà lấp lánh với nhiều "điều đầu tiên": Người phụ nữ Somalia đầu tiên du học ở Anh, người phụ nữ đầu tiên lái ô-tô ở Somaliland, nữ bộ trưởng đầu tiên của Somaliland và cựu Đệ nhất phu nhân Somalia (người chồng đầu tiên của bà, Mohamed Haji Ibrahim Egal, là Thủ tướng Somalia vào cuối những năm 60 thế kỷ trước).

Nhưng Ismail tự hào về một điều khác không kém: Bà là nữ hộ sinh được đào tạo đầu tiên của Somaliland. Ban đầu, công việc này không mấy hấp dẫn Ismail, bởi bà thích cảm giác mạnh của phòng phẫu thuật hơn. Ismail thừa nhận: "Bỉm bẩn, sữa mẹ, trẻ sơ sinh la hét - những điều này thậm chí còn không có trong danh sách lựa chọn của tôi". Nhưng mọi thứ thay đổi sau khi cha của bà - một bác sĩ từng phải chứng kiến ​​hai người con qua đời vì tai nạn sản khoa- hỏi: "Con sẽ xử lý thế nào, nếu những phụ nữ mang thai cần sự giúp đỡ của con?".

Câu hỏi ấy không chỉ khiến Ismail suy nghĩ lại, mà còn đánh thức một vùng ký ức đau đớn tưởng đã ngủ quên. Từ năm 8 tuổi, Ismail, cũng như mọi cô gái Somalia khác, đã bị cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục (thuật ngữ quốc tế gọi là FGM), để tuân theo thứ hủ tục đã ăn sâu bén rễ ở đất nước này.

Bà nhớ lại: "Vào ngày mẹ thực hiện FGM cho tôi, bố tôi, một bác sĩ rất nổi tiếng và thường được xem như cha đẻ của ngành y ở Somaliland, có công việc phải rời khỏi thành phố. Khi ông quay lại thì mọi chuyện đã xong. Ông tức giận. Lần đầu, tôi thấy bố giận như vậy, và nói rằng điều đó không nên xảy ra với tôi. Những gì xảy ra hôm ấy đã gieo mầm cho tôi về sự bất công đối với phụ nữ, và thôi thúc tôi hành động sau này".

"Cắt bỏ" sự man rợ

Cuộc đấu tranh của Ismail chống lại thứ hủ tục man rợ được nung nấu như dung nham núi lửa, qua những ngày tháng bà làm nữ hộ sinh và chứng kiến sự đau đớn lúc sinh nở của những phụ nữ bị FGM. Những dồn nén cuối cùng đã có cơ hội bùng nổ khi Ismail được bổ nhiệm làm Vụ trưởng tại Bộ Y tế Somalia năm 1976 (Somaliland lúc đó là một phần của Somalia, đến năm 1991 mới tự tuyên bố độc lập, song chưa được quốc tế công nhận). "Một hôm, Bộ trưởng Y tế gọi tôi đến và nói Hiệp hội Sức khỏe Phụ nữ Somalia sắp tổ chức lễ thành lập. Ông ấy muốn tôi tới dự. Thế là tôi quyết định biến buổi lễ thành một cơ hội để nói về FGM", Ismail nhớ lại.

Sự kiện ấy rốt cuộc đã mở đầu cho một cuộc chiến vì sức khỏe sinh sản của phụ nữ trên khắp Somalia, cũng như vùng Sừng châu Phi. "Chúng tôi đã tiến lên đều đặn kể từ thời điểm đó. Chúng tôi thành lập các ủy ban, thông qua luật cấm thực hiện FGM...", Ismail hồi tưởng. "Nhưng từ năm 1988, cuộc nội chiến ở đất nước tôi (cả Somalia và Somaliland) đã làm gián đoạn mọi việc. Và tôi buộc phải rời khỏi quê hương".

Bất chấp tình cảnh khó khăn đó, Ismail vẫn không từ bỏ. Bà tận dụng cơ hội làm việc cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để vận động những quốc gia khác tại vùng Sừng châu Phi bãi bỏ hủ tục (mà Liên hợp quốc ước tính đã gây hại cho hơn 200 triệu phụ nữ và trẻ em gái còn sống trên thế giới). "WHO mời tôi giới thiệu chủ đề FGM ở Djibouti. Đệ nhất phu nhân ở đó lúc bấy giờ ủng hộ hoạt động này. Nơi đây có nền văn hóa rất giống đất nước tôi, nên tôi có thể trao đổi nhiều với cô ấy. Vì vậy chúng tôi đã làm rất nhiều việc và luật cấm FGM đã được thông qua ở Djibouti", người phụ nữ 85 tuổi, được ví như "bà tiên của vùng Sừng châu Phi", tự hào.

"Bà tiên" vùng Sừng châu Phi ảnh 1

Gây dựng cho tương lai

Năm 1996, Ismail trở lại Somaliland trong vai trò đại diện WHO, và khởi động lại chiến dịch chống FGM ở quê nhà. Tại thủ phủ Hargeisa, chứng kiến bệnh viện nơi mình làm việc ngày xưa đã bị lấn chiếm tứ phía, các nữ hộ sinh thì người bỏ đi, người bị giết, bà nghĩ đã đến lúc xây dựng một bệnh viện mới.

"Mọi người nghĩ rằng tôi đang lãng phí tiền bạc và thời gian, khi mảnh đất mà tôi được mời mua lại là bãi rác", bà kể. Nhưng vào năm 1997 ấy, Ismail đã bán chiếc ô-tô của mình, lấy tiền tiết kiệm riêng và tiền phụ cấp từ WHO để bắt đầu xây bệnh viện.

Liên hợp quốc cung cấp một số bác sĩ, Đại sứ quán Anh ở Addis Ababa (Ethiopia) gửi giường và một bộ xương nhựa để giảng dạy, Hội đồng Tị nạn Đan Mạch tặng một máy phát điện, và một bác sĩ người Đức đến thăm đã gửi một máy siêu âm… Với những sự giúp đỡ khác từ các tổ chức gây quỹ ở Mỹ và Anh, Ismail mở cửa bệnh viện mang tên mình, Đại học & Bệnh viện Edna Adan ở Hargeisa, Somaliland, vào năm 2002.

Bệnh viện ấy chưa bao giờ từ chối bệnh nhân nào. Để giảm chi phí, người phụ nữ 85 tuổi sống ngay tại nơi làm việc. "Ở đây cần tôi", Ismail nói khi biết mình được trao giải Templeton, với số tiền thưởng 1,3 triệu USD mà bà tin rằng sẽ giúp bệnh viện tồn tại ngay cả khi bà qua đời.

Tham vọng của Ismail là bệnh viện sẽ đào tạo các nữ hộ sinh cho khắp châu Phi, nơi có tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ sơ sinh cao hơn bất kỳ lục địa nào. "Nó mang lại việc làm cho phụ nữ, xóa đói, giảm nghèo, tạo ra tinh thần tự lực và cứu sống nhiều mạng người. Và, nó cũng rất tiết kiệm", bà nói.

Có thể hiểu được nỗi niềm đau đáu của Ismail về sức khỏe sinh sản của phụ nữ châu Phi nếu biết rằng, chính bà cũng hứng chịu nỗi bất hạnh suốt đời. Di chứng của cuộc phẫu thuật tàn nhẫn FGM hồi thơ ấu khiến Ismail, dù đã kết hôn ba lần và thử "mọi loại hormone từng được phát minh", vẫn không bao giờ có thể được làm mẹ.

Nhưng giờ đây, Ismail tin rằng việc không có con cũng là một lựa chọn mà số phận đưa đến, để giúp bà tự do xây dựng bệnh viện và cống hiến hết mình cho việc chăm sóc người khác. "Tôi không buồn và cũng chẳng cô đơn. 4,5 triệu người Somaliland bây giờ là con của tôi", bà nói, với niềm hạnh phúc lấp lánh nơi khóe mắt.

(Theo The Wall Street Journal, Templetonprize.org, National Speakers Bureau).