Cơ hội thúc đẩy thương mại Mỹ - châu Phi

Nam Phi dự kiến sẽ đăng cai Hội nghị cấp cao thương mại châu Phi - Mỹ vào tháng 11 tới. Đây sẽ là dịp để châu Phi thu hút hơn nữa nguồn lực đầu tư từ nền kinh tế số 1 thế giới, đồng thời cũng là cơ hội để Mỹ thâm nhập sâu rộng thị trường “lục địa đen”, trong bối cảnh các nước lớn khác đang thúc đẩy cuộc đua cạnh tranh ảnh hưởng tại châu Phi.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: CHENXIA
Biếm họa: CHENXIA

Trong tuyên bố chung, giới chức hai nước thông báo Diễn đàn Hợp tác kinh tế và thương mại khu vực miền nam sa mạc Sahara - Mỹ dự kiến diễn ra tại thành phố Johannesburg - trung tâm kinh tế của Nam Phi, từ ngày 2 đến 4/11 tới. Theo kế hoạch, diễn đàn sẽ thảo luận tương lai của Đạo luật Cơ hội và tăng trưởng châu Phi (AGOA). Đây là chương trình thương mại hàng đầu của Mỹ dành cho châu lục, trong đó miễn thuế hàng hóa của các nước châu Phi khi thâm nhập thị trường Mỹ. Theo kế hoạch, AGOA sẽ hết hạn vào ngày 30/9/2025.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã nhắc lại lời của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng “tương lai là châu Phi”, đồng thời cho biết bà muốn đến Nam Phi để thảo luận về AGOA. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Nam Phi Ebrahim Patel kêu gọi gia hạn AGOA, cho rằng việc kéo dài đạo luật này sau năm 2025 sẽ thúc đẩy đầu tư vào châu Phi và đem lại lợi ích cho cả các nước châu Phi và Mỹ.

Trước đó, ngày 18/9, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã chủ trì Diễn đàn Kinh tế thế giới về thu hẹp khoảng cách: Tài trợ cho tăng trưởng nông nghiệp của châu Phi. Sự kiện này tập trung thảo luận cách thức các chính phủ tài trợ, tổ chức tài chính phát triển, chính phủ châu Phi và khu vực tư nhân xúc tiến hành động nhằm củng cố chuỗi giá trị lương thực ở châu lục thông qua tài trợ đổi mới và hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ. Hiện, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp của châu Phi không thể tiếp cận nguồn tài chính ngân hàng chính thức, điều này đã tạo ra khoảng cách ước tính khoảng 100 tỷ USD về nhu cầu tài chính chưa được đáp ứng.

Đầu tư vào châu Phi là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong bối cảnh nước này đang khan hiếm nguồn cung kim loại như cobalt, lithium và các kim loại khác được sử dụng để sản xuất pin cho xe ô-tô điện, máy tính xách tay và điện thoại thông minh. Theo The Wall Street Journal (WSJ), Mỹ và Saudi Arabia đang đàm phán để tiếp cận nguồn cung kim loại ở châu Phi. Theo đó, một liên doanh do Chính phủ Saudi Arabia hậu thuẫn sẽ chi 15 tỷ USD để mua cổ phần trong các khu mỏ kim loại ở các nước châu Phi như CHDC Congo, Guinea và Namibia. Sau đó, các công ty Mỹ sẽ có quyền mua một số sản phẩm kim loại từ mỏ mà Saudi Arabia có cổ phần này.

Tăng cường tiếp cận châu Phi cũng là cách để Mỹ cạnh tranh trực tiếp với các nước lớn khác như Nga hay Trung Quốc trong việc gia tăng sức ảnh hưởng ở “lục địa đen”. Sau khi Nga xóa khoản nợ lên tới 20 tỷ USD cho các quốc gia châu Phi hồi tháng 3 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã lập tức có chuyến công du tới châu lục này nhằm tăng cường đầu tư và hiện diện trong khu vực. Trước bà Harris, Đệ nhất phu nhân Jill Biden, Bộ trưởng Ngoại giao Anthony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng đã thăm một số quốc gia châu Phi nhằm củng cố cam kết của Tổng thống Joe Biden về sự “dấn thân vào châu Phi”.

Không chỉ Nga, Trung Quốc cũng đang tìm cách mở rộng sự hiện diện và củng cố mối quan hệ với châu Phi. Từ ngày 28/8 đến 2/9 vừa qua, Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn an ninh và hòa bình Trung Quốc - châu Phi lần thứ ba, đón tiếp các quan chức quốc phòng của Liên minh châu Phi (AU) và gần 50 quốc gia “lục địa đen”.

Giới chức Mỹ luôn khẳng định rằng, quan hệ giữa nước này và châu Phi là sự đầu tư lẫn nhau và cùng nhau tăng trưởng kinh tế, quan hệ đối tác sáng tạo và kết nối sâu sắc giữa người dân Mỹ và người dân châu Phi. Hội nghị cấp cao thương mại tháng 11 tới sẽ củng cố thêm sự hợp tác giữa hai bên, là cơ hội để Mỹ biến các cam kết về đầu tư tại châu Phi trở thành hiện thực.