Trước diễn biến phức tạp của bão Noru, chiều 27/9, Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai phối hợp Tổng cục Phòng chống thiên tai Việt Nam tổ chức cuộc họp theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 21 đối tác quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nhằm đưa ra những quyết định về việc kích hoạt các hành động về cứu trợ khẩn cấp hỗ trợ cho Chính phủ và người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão số 4.
Đường đi và cường độ bão số 4 tương tự với bão Xangsane
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng-Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, bão số 4 là cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm. Dự kiến, bão đổ bộ Thừa Thiên Huế-Bình Định vào rạng sáng 28/9.
Bão số 4 tương tự về đường đi và cường độ với bão Xangsane, từng đổ bộ vào miền trung Việt Nam (trọng tâm bão là Đà Nẵng) vào tháng 10/2006; sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Cơn bão năm 2006 đã khiến 76 người bị chết và mất tích; 350.000 nhà dân sập đổ, hư hỏng. Thiệt hại về kinh tế lên tới hơn 10.000 tỷ đồng.
Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai Việt Nam tổ chức cuộc họp theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 21 đối tác quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai. |
Ông Nguyễn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) đã thông tin đến các đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cho biết sáng 27/9, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì họp, chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra từ cơn bão này…
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai đã thiết lập Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4. Ban Chỉ đạo cũng đã thành lập 3 đoàn đi thị sát, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão số 4 tại các tỉnh miền trung. Đó là, Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Lê Văn Thành dẫn đầu đi kiểm tra công tác ứng phó với bão đã đến các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị vào chiều 27/9. Đoàn công tác do Bộ trưởng, Phó Trưởng ban Thường trực Lê Minh Hoan dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đoàn công tác do Thứ trưởng, Phó Trưởng Ban Phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão tại Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Theo ông Nguyễn Hiệp, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định sẽ được sơ tán, kế hoạch sơ tán sẽ phải hoàn thành trước khi bão đổ bộ, với kế hoạch sơ tán 97.391 hộ dân với 331.551 người.
Các địa phương cũng đã tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm tại các cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm bảo đảm cho 7 ngày khi có thiên tai xảy ra. Cùng với đó, rất nhiều phương án kế hoạch phòng chống bão, phương án huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã và đang được triển khai rốt ráo và quyết liệt tại các địa phương.
Thành lập đoàn đánh giá ảnh hưởng của bão số 4
Bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Tổng cục phòng, chống thiên tai đã giới thiệu về hành động sớm, dựa vào dự báo mà FAO đã tiến hành thử nghiệm ngày 16/9/2022 tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; cung cấp kế hoạch về việc dự kiến thành lập 3 đoàn đánh giá theo yêu cầu của các tổ chức quốc tế, để đi đánh giá nhanh ảnh hưởng của bão số 4.
Dự kiến thành lập 3 đoàn đánh giá theo yêu cầu của các tổ chức quốc tế, để đi đánh giá nhanh ảnh hưởng của bão số 4. |
Dự kiến mỗi đoàn đánh giá gồm khoảng 8 người, với thành viên do các tổ chức quốc tế lựa chọn, ứng cử. Trong đó, Đoàn số 1 sẽ tổ chức khảo sát tại Quảng Trị-Thừa Thiên Huế, Đoàn số 2 đi Đà Nẵng-Quảng Nam, và Đoàn số 3 đi đánh giá rủi ro thiên tai tại Quảng Ngãi-Bình Định.
Chia sẻ tại cuộc họp, đại diện các đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai bày tỏ sự ủng hộ, nhất trí cao đối với việc thành lập các đoàn công tác đánh giá tác động của bão số 4 theo đề xuất của Tổng cục Phòng chống thiên tai; đồng thời, cho ý kiến về phương thức tổ chức, đề xuất một số giải pháp để thực hiện công tác đánh giá, thu thập thông tin hiệu quả phục vụ công tác cứu trợ kịp thời...
Sau thời gian đánh giá rủi ro từ bão số 4, các đoàn sẽ tổng hợp thông tin để cung cấp cho cơ quan Chính phủ Việt Nam, cũng như những nhà tài trợ. Từ đó có những quyết định về việc kích hoạt các hành động về cứu trợ khẩn cấp hỗ trợ cho Chính phủ và người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão số 4.