Rừng bạch đàn ở Đồng Hỷ khô lá, chết cây

NDO - Rừng bạch đàn bị khô lá trên diện rộng, một số cây khoảng 2 năm tuổi đã chết, làm cho người dân huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) lo lắng. Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu giám định, xét nghiệm nhưng chưa tìm ra nguyên nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Hàng trăm ha rừng bạch đàn ở huyện Đồng Hỷ vàng lá, rụng lá, một số cây đã chết.
Hàng trăm ha rừng bạch đàn ở huyện Đồng Hỷ vàng lá, rụng lá, một số cây đã chết.

Cùng với cây keo, bạch đàn là cây dễ trồng, sinh trưởng, phát triển nhanh, mang lại giá trị kinh tế cao, nên những năm gần đây người dân huyện Đồng Hỷ ngày càng phát triển rừng sản xuất bằng việc trồng bạch đàn. Tuy nhiên, thời gian qua, hàng trăm ha bạch đàn có hiện tượng lá chuyển sang màu vàng, lá khô, cây chết, làm người dân hoang mang, lo lắng.

Gia đình ông Phạm Văn Long, xóm Vân Hán, xã Văn Hán trồng hơn 40ha bạch đàn từ 2 đến 2,5 năm tuổi, từ đầu năm 2023 đến nay một số vạt rừng bạch đàn có hiện tượng lá bị táp, chuyển màu vàng, khô, đến nay lan ra gần 10ha. Cho rằng cây bị nhện đỏ và bọ xít phá hoại, giữa tháng 9/2023, ông Long mua máy bay phun thuốc trừ sâu trị giá 450 triệu đồng, phun thuốc trừ nhện đỏ, bọ xít trên toàn bộ diện tích bạch đàn và hiện thấy cây hồi lại, lên chồi, lá dần xanh tốt.

Theo ông Lường Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Hán, người dân trong xã đã trồng khoảng 250ha rừng bạch đàn, hiện tượng bạch đàn bị khô lá xuất hiện từ đầu năm 2023 trên những cánh rừng từ 2 đến 3 năm tuổi, đến nay ước tính có khoảng 100ha rừng ở 14 xóm xuất hiện tình trạng này làm người dân lo lắng.

Ban đầu lá cây bạch đàn chuyển màu vàng, lá bị khô, rụng còn trơ cây, các mầm cây teo lại, chết dần, nhiều cây chết, cây không chết thì bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh trưởng. Qua đánh giá ban đầu, người dân cho rằng những cây bạch đàn bị khô lá có bọ xít, nhện đỏ, nên nghi ngờ cây bị sâu chích hút, phá hoại hoặc bị nhiễm nấm. Chính quyền xã Văn Hán đã đề nghị cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý hiệu quả.

Bên cạnh xã Văn Hán, rừng bạch đàn ở xã Nam Hòa và một số xã khác trên địa bàn huyện Đồng Hỷ cũng có hiện tượng lá vàng, lá khô, rụng. Để xác định nguyên nhân, Chi cục và Bảo vệ thực vật Thái Nguyên đã kiểm tra rừng bạch đàn trồng xen với keo tại lô 1, khoảnh 5, tiểu khu 202 thuộc xã Nam Hòa, nhận thấy: Cây keo phát triển bình thường, nhưng lá cây bạch đàn mất lớp biểu bì, còn trơ phần màng lá, một số cây có hiện tượng trứng của sâu ăn lá, nhưng tại thời điểm kiểm tra không phát hiện sinh vật gây hại trên cây.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Nguyên, rừng bạch đàn dưới 3 tuổi có nguy cơ cao chết cây, cây trên 3 tuổi lá bị khô, rụng và lá mới xuất hiện đã xanh. Lấy mẫu cây bị khô lá và mẫu đất gửi Trung tâm Bảo vệ thực vật phía bắc kiểm tra, giám định sinh vật gây hại, kết quả không phát hiện thấy sinh vật gây hại (nấm, vi khuẩn, tuyến trùng) gây ra.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ, Nguyễn Thị Thúy cho biết: Trong khi chưa phát hiện nguyên nhân gây ra hiện tượng rừng bạch đàn bị táp lá, khô lá, một số cây chết, chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình, thống kê diện tích trồng, diện tích có hiện tượng này. Đồng thời, đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Nguyên lấy mẫu trên diện rộng, gửi xét nghiệm, giám định xác định nguyên nhân để có biện pháp bảo vệ rừng trồng, bảo vệ sản xuất.