Phát triển bền vững giá trị hệ sinh thái rừng

Hệ sinh thái rừng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Rừng cung cấp thức ăn, nguyên liệu gỗ, nước sạch cho sinh hoạt; điều hòa khí hậu, nâng cao chất lượng không khí, kiểm soát xói mòn, hấp thụ các-bon; cung cấp môi trường du lịch sinh thái, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, xã hội thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định, bền vững…
0:00 / 0:00
0:00
Du lịch sinh thái tại rừng quốc gia Pù Mát (Nghệ An).
Du lịch sinh thái tại rừng quốc gia Pù Mát (Nghệ An).

Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp, hiện cả nước có khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng; trong đó có 1,15 triệu hộ gia đình và cộng đồng quản lý 4,1 triệu ha, 136 công ty lâm nghiệp quản lý 1,7 triệu ha, 383 ban quản lý rừng đặc dụng quản lý 5,2 triệu ha, 24,284 người thuộc lực lượng bảo vệ rừng và 6.234 doanh nghiệp chế biến với hơn 500 nghìn lao động…

Giá trị sinh thái của rừng Việt Nam đang cung cấp 31 triệu m3 gỗ nguyên liệu đáp ứng 75,6% nhu cầu sản xuất, phục vụ xuất khẩu bình quân hằng năm đạt 17 tỷ USD. Ngoài ra, cả nước có khoảng 2,6 triệu ha lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu hơn 500 triệu USD mỗi năm. Cùng với đó, các hoạt động du lịch (doanh thu khoảng 300 tỷ đồng/năm), dịch vụ môi trường rừng (thu 1.300 tỷ đồng/năm), dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng đang có tiềm năng lớn đóng góp trung bình đạt doanh thu 4.000 tỷ đồng /năm.

Để phát huy giá trị đa dụng của rừng, hiện nay nhiều địa phương đã có những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người dân, nâng cao đời sống cộng đồng, vừa góp phần bảo vệ gìn giữ rừng hiệu quả.

Theo đánh giá của Cục Lâm nghiệp, riêng lâm sản ngoài gỗ hiện cả nước có khoảng 2,6 triệu ha, trong đó có 1,9 triệu ha tự nhiên và 0,7 triệu ha diện tích trồng.

Nhiều địa phương đã có những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người dân, nâng cao đời sống cộng đồng, vừa góp phần bảo vệ gìn giữ rừng hiệu quả.

Trên cả nước đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng rất hiệu quả, như mô hình sản xuất hồi hữu cơ của Hợp tác xã hồi hữu cơ Vân Quan, huyện Văn Quán (Lạng Sơn) có 16 hộ tham gia, với diện tích trồng 35 ha, đạt sản lượng 45,5 tấn/năm, doanh thu 7,5 tỷ đồng, mang lại thu nhập bình quân 250 triệu đồng/năm/hộ. Mô hình trồng cây thuốc nam truyền thống của đồng bào Dao tại huyện Ba Vì (Hà Nội) với doanh thu toàn xã 120 tỷ đồng mang lại thu nhập bình quân từ 100 đến 150 triệu đồng/hộ.

Cùng với mô hình phát triển cây dược liệu, nhiều địa phương phát triển khá mạnh mô hình nông, lâm, ngư kết hợp, như: các mô hình nuôi ong dưới tán rừng ở khu vực rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau), thu hoạch 150 lít mật mỗi mùa, với thu nhập từ 10 đến 20 triệu đồng/người/mùa vụ. Sản phẩm mật ong tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm năm 2016. Tại đây có 20 hộ dân nuôi ong, với hơn 5.480 đàn, thu hoạch 120 tấn mật/vụ, mang lại giá trị hơn 6 tỷ đồng/năm.

Cùng với đó, mô hình nuôi trồng thủy sản tại các vùng rừng ngập mặn cũng đang phát triển hiệu quả. Tại Cà Mau, với phương thức chăn nuôi thủy sản không thuốc, không hóa chất, sử dụng nguồn nước tự nhiên đã được chứng nhận vùng nuôi tôm bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (Naturland EU Organic, Sulva Shrimp, ASC, BAP…) mang lại giá trị tăng thêm từ 10 đến 15%. Cùng với việc hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng từ 250-500 nghìn đồng/ha/năm đã góp phần đưa thu nhập của các hộ dân sống bằng nghề rừng tại đây tăng thêm từ 40 đến 50 triệu đồng/ha/năm.

Theo khảo sát, năm 2022, đã có 3,1 triệu lượt khách đến tham quan tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, mang lại 310 tỷ đồng.

Các mô hình du lịch cộng đồng tại các vườn quốc gia đang ngày càng phát triển. Điển hình là tại các vườn quốc gia: Cúc Phương, Phong Nha-Kẻ Bàng, Cát Tiên, Pù Mát… Bên cạnh đó, các dịch vụ điều tiết nguồn nước, dịch vụ hấp thụ các-bon… cũng ngày càng có chỗ đứng ổn định tại các khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng. Theo khảo sát, năm 2022, đã có 3,1 triệu lượt khách đến tham quan tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, mang lại 310 tỷ đồng.

Nhiều vườn quốc gia cũng phối hợp với cộng đồng cư dân bản địa sống gần rừng xây dựng các điểm du lịch cộng đồng. Đơn cử như Vườn quốc gia Pù Mát ở huyện Con Cuông (Nghệ An) có ba điểm du lịch cộng đồng tại vùng đệm, tạo việc làm cho 200 lao động, không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng.

Tại Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), cộng đồng dân tộc Mường thu hút 100-150 người tham gia làm du lịch sinh thái với thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch sinh thái cùng Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình lên đến 440-520 người, với mức thu nhập bình quân 12-15 triệu đồng/người/tháng.

Theo ước tính các nguồn thu từ hệ sinh thái rừng bao gồm: hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tự nhiên, chi trả dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ lưu trú và hấp thụ các-bon rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, du lịch sinh thái rừng… đã mang lại khoảng 1,5 triệu đồng/ha/năm cho mỗi người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với việc khai thác giá trị rừng tự nhiên, giá trị sinh thái từ khu vực rừng trồng cũng mang lại khoảng 16 triệu đồng/ha/năm. Đây là những nguồn thu đáng kể phục sinh kế cho hàng triệu người dân sống bằng nghề rừng.

Theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, cùng với những thuận lợi, hiện giá trị hệ sinh thái rừng cũng đang gặp những khó khăn, thách thức. Đó là, việc thiếu quy hoạch vùng trồng gỗ lớn tập trung; các diện tích rừng trồng hiện đã khá lớn nhưng giá trị chưa cao; chưa có điều tra, đánh giá, tổ chức sản xuất theo chuỗi; chưa có quy định về sở hữu, đo đếm các-bon rừng; còn có những khoảng trống trong quy định quản lý, xây dựng công trình trong rừng phục vụ du lịch và các ngành dịch vụ khác; các mức thu còn chưa tương xứng với giá trị mang lại; chưa có điều tra đánh giá mô hình toàn quốc, chính sách thúc đẩy sự hợp tác còn một số rào cản cần phải thay đổi, bổ sung phù hợp để khuyến khích phát triển kinh tế rừng bền vững.

Phát triển rừng không chỉ dựa vào đơn ngành, đơn lĩnh vực mà phải hướng tới tích hợp đa ngành, đa chức năng để đạt tới mục tiêu giá trị.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, cần phải có tầm nhìn mới thúc giục yêu cầu điều chỉnh, thay đổi thể chế. Rào cản pháp lý ít nhiều đang giới hạn không gian phát triển. Ngày nay, phát triển rừng không chỉ dựa vào đơn ngành, đơn lĩnh vực mà phải hướng tới tích hợp đa ngành, đa chức năng để đạt tới mục tiêu giá trị. Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng hứa hẹn mở ra kho báu từ rừng. Và kho báu lớn nhất không chỉ là nguồn lợi, là tài nguyên, mà hơn hết chính là tư duy mới, cùng trân trọng, nâng niu, vun đắp từng giá trị của rừng để rừng mãi lên xanh, tỏa bóng mát cho thế hệ mai sau…

Để giải quyết tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện xây dựng “Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023 làm cơ sở triển khai thực hiện.

Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa truyền thống bản địa; nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững các dịch vụ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc và người làm nghề rừng.

Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn cung nguyên liệu gỗ bền vững cho ngành công nghiệp chế biến giúp ngành công nghiệp chế biến lâm sản chủ động, nâng cao hơn nguồn nguyên liệu gỗ trong nước (hiện nay chủ động được 75,6%) cả về số lượng, chất lượng và xác định rõ xuất xứ, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu, nhất là trong tình hình biến động khó lường của thị trường quốc tế hiện nay, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân sống bằng nghề rừng.