Từ trung tâm huyện lỵ Pác Nặm vào xã Bằng Thành mặt đường lởm chởm, lở lói và phải vượt qua mấy ngầm nước chảy xiết, vào những hôm trời mưa không thể vượt qua được. Ở vùng sâu vùng xa này, bà con dân tộc thiểu số chủ yếu vẫn sản xuất tự cấp tự túc, nhưng mấy năm nay đã biết nhìn xa trông rộng khi hăng hái trồng rừng sản xuất. Đất trống đồi núi trọc bạt ngàn những năm trước đây đang dần được thu hẹp bởi màu xanh của rừng. Tuy nhiên, bà con đang bức xúc bởi năm nay Ban Quản lý chương trình trồng rừng 147 của huyện cấp toàn cây giống... sắp chết để trồng rừng.
Năm nay gia đình anh Ma Văn Thuyết ở bản Nà Lại phát dọn thực bì, cuốc hố chuẩn bị trồng rừng từ tháng năm, nhưng mãi đến tháng bảy mới được cấp cây giống, chậm gần một tháng so với thời vụ tỉnh quy định là trong tháng sáu phải trồng xong. Biết là bị muộn nên ngay sau khi nhận được cây giống, anh Thuyết huy động cả gia đình tập trung trồng. Anh Thuyết cho biết, hai năm trước cây keo lai trồng xuống chỉ một tuần là bén rễ, chồi vươn lên tua tủa. Nhưng năm nay sau nửa tháng trồng xong anh lên thăm thì thấy keo chết hàng loạt.
Anh Thuyết bức xúc: “Hôm nhận cây giống từ ô tô xuống đã thấy rất nhiều cây bị long bầu, bầu bị vỡ, bẹp, lá cây chuyển màu vàng úa, tôi hỏi liệu cây có sống được không thì người giao cây bảo: Yên chí, sẽ sống hết. Mặc dù tôi đưa lên trồng trên diện tích đất ẩm, trồng xong lại liên tục có mưa, nhưng đến nay cây chỉ sống được có 20%, công sức từ khi phát dọn thực bì không biết bao nhiêu mà kể nay trôi xuống sông xuống biển hết”. Nhiều hộ ở thôn Khau Bang, cùng xã Bằng Thành thấy cây bị héo úa còn ươm lại trong vườn nhà để chăm sóc trước khi đem trồng nhưng vẫn chết phần lớn.
Năm nay nhân dân bản Nà Lại trồng khoảng chín ha rừng, nhưng tỷ lệ cây bị chết đến 80%. Cả xã Bằng Thành trồng gần 149 ha keo, nhưng tỷ lệ cây sống chỉ đạt 30- 40%, trong khi yêu cầu cây sống phải đạt tối thiểu từ 80% trở lên thì người dân mới được nghiệm thu, thanh toán tiền công trồng.
Bí thư Đảng uỷ xã Bằng Thành Lục Tiến Trung bức xúc: “Việc vận động bà con ở địa phương trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc là rất khó khăn. Năm nay bà con đã “thông”, từ tháng tư, tháng năm bà con đã bỏ bao công sức để phát dọn thực bì, cuốc hố, chỉ chờ được cấp cây giống là trồng. Nhưng ai ngờ lại được cấp giống chất lượng kém, toi công nên nhiều thôn đã bắt đầu nản chí, việc vận động trồng rừng trong những năm tới sẽ khó khăn đây”.
Tìm hiểu thì được biết, cây giống được đựng trong túi ni lông, mỗi túi đựng 50 cây, đưa lên ô tô vận chuyển lên huyện Pác Nặm xa 60- 70 km đường khó đi đã bị long bầu. Mặt khác, thời gian này có mưa, tuyến đường từ huyện vào Bằng Thành nhiều đoạn ngầm bị ngập sâu, ô tô chở giống không vào được phải “nằm” tại huyện. Đôi lúc có nắng đan xen, độ ẩm cao, trời oi bức, cây giống để trên ô tô lẽ ra phải được dỡ xuống, đưa cây ra khỏi túi ni lông, nhưng cơ quan chức năng tắc trách, cây giống khác nào bị “muối dưa” trên ô tô nên héo úa, sắp chết mà vẫn cấp cho dân trồng.
Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Cạn cần sớm làm rõ vấn đề này, xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm để tránh lặp lại sự việc tương tự gây thiệt hại cho nông dân. Đồng thời giải thích rõ nguyên nhân, cấp lại cây giống cho nhân dân trồng lại diện tích đã chết.