Rực rỡ sắc mầu ngày hội văn hóa

Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam được hình thành, vun đắp qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước với nhiều giá trị đặc sắc. Vì thế, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc luôn được Ðảng, Nhà nước quan tâm gìn giữ và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Trình diễn trích đoạn lễ hội Chá Mùn của người Thái đen (Thanh Hóa).
Trình diễn trích đoạn lễ hội Chá Mùn của người Thái đen (Thanh Hóa).

Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, dải đất miền trung được xem là nơi hội tụ, chuyển tiếp và kết tinh nhiều giá trị văn hóa. Thông qua quá trình đấu tranh sinh tồn, cải tạo thiên nhiên, lao động, sản xuất và sinh hoạt hằng ngày, nơi đây đã hình thành nên kho tàng văn hóa phong phú. Cộng đồng các dân tộc miền trung góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu với bề dày hơn 2.000 năm, tiêu biểu là nền văn hóa Sa Huỳnh và nền văn minh Chăm Pa.

Trên dải đất miền trung hiện sở hữu nhiều giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa đồ sộ với 5 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 6 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, 37 di tích quốc gia đặc biệt, 46 bảo vật quốc gia, 691 di tích quốc gia và nhiều di sản có giá trị khác. Ðây cũng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Mường, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Co, Xơ Ðăng, Mơ Nông, Chăm… và nhiều tộc người khác gắn liền với quá trình khai khẩn đất đai, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa con người với thiên nhiên, ước mơ cũng như khát vọng của con người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tỉnh Bình Ðịnh có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, thừa hưởng một mạch nguồn văn hóa đồ sộ và cổ xưa của nền văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa nổi tiếng. Nơi đây còn là cái nôi của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, quê hương của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ. Vì thế, Bình Ðịnh là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc, nổi bật là nghệ thuật Tuồng và những làn điệu bài Chòi mượt mà, sâu lắng, trong đó nghệ thuật bài Chòi được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Miền đất võ Bình Ðịnh với những tinh hoa võ thuật không chỉ hun đúc, kết tinh thành truyền thống thượng võ của con người Bình Ðịnh qua nhiều thế hệ, mà còn là nơi hội tụ và giao hòa văn hóa của nhiều dân tộc anh em. Cùng với dân tộc Kinh, tỉnh Bình Ðịnh hiện có 39 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là ba dân tộc: Ba Na, Chăm, Hrê với lối sống và phong tục, tập quán có nhiều sắc thái độc đáo, đa dạng, tạo nên nét đặc trưng đậm chất nhân văn và thượng võ của văn hóa Bình Ðịnh. Những bản sắc văn hóa riêng đó đã trở thành nếp sống, trở thành các chuẩn giá trị được đồng bào giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Vừa qua, tại thành phố biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Ðịnh) đã diễn ra Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền trung với nhiều tiết mục đặc sắc, thu hút người dân và du khách tham quan đến từ nhiều địa phương trong cả nước.

Nhiều du khách đến Quy Nhơn vào những ngày diễn ra lễ hội rất hào hứng khi được trải nghiệm, chứng kiến các dân tộc miền trung trưng bày, giới thiệu, quảng bá nét văn hóa truyền thống đặc sắc với bề dày lịch sử lâu đời. Thí dụ như cách dệt thổ cẩm để làm nên những bộ trang phục độc đáo, đầy mầu sắc từ đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân giàu kinh nghiệm, đến cách chế tác ra những loại nhạc cụ đặc trưng và trình diễn chúng một cách thuần thục. Ngoài ra, du khách còn được chứng kiến trích đoạn trình diễn những lễ hội văn hóa dân gian truyền thống, hoặc giao lưu ẩm thực đậm đà hương vị núi rừng…

Bí thư Tỉnh ủy Bình Ðịnh Hồ Quốc Dũng cho biết, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền trung đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền trung. Ngày hội đã tái hiện tập quán canh tác mùa vụ, các hoạt động dân ca, dân vũ, trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, khám phá ẩm thực, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật được trình diễn một các công phu.

Trong đó, nhiều tiết mục gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc được thể hiện khéo léo, tài hoa cùng với những nghi lễ truyền thống. Ngày hội là dịp tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền trung tới người dân, du khách quốc tế. Từ đó góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.

Khu vực miền trung có nhiều di sản văn hóa được công nhận, tiêu biểu như: Quần thể di tích Cố đô Huế; Phố cổ Hội An; Thánh địa Mỹ Sơn; Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; Thành nhà Hồ; hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Nhã nhạc Cung đình Huế và Nghệ thuật bài Chòi… Những di sản văn hóa này không chỉ phản ánh sinh động đời sống văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc miền trung, mà còn góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đồng thời quảng bá du lịch văn hóa đến du khách trong và ngoài nước…