Rồng thời Nguyễn trong kiến trúc Huế

Sức mạnh văn hóa truyền thống Việt Nam, trong đó có triều Nguyễn được thể hiện rất rõ qua hình tượng con rồng. Nhìn lại quá khứ từ công tác bảo tồn để tự hào, phát triển, đồng thời hướng đến giáo dục giá trị truyền thống lâu dài là điều tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểu thức “Lưỡng Long chầu nhật” trên đỉnh mái.
Kiểu thức “Lưỡng Long chầu nhật” trên đỉnh mái.

Từ kinh thành uy nghiêm…

Theo dòng lịch sử, hình tượng rồng, biểu tượng rồng đã có tại Việt Nam từ thời Đông Sơn. Trên trống đồng Đông Sơn, các hình ảnh về rồng xuất hiện rất nhiều. Tuy nhiên, đến thời kỳ nhà Đinh, con rồng trở thành biểu tượng của giai đoạn phong kiến. Đối với thời Nguyễn, hình tượng rồng được đánh giá quan trọng nhất bởi đây là đại diện hình ảnh cho vương quyền, cho vua, cho thời đại. Mở rộng ra, vị thế của nước ta được chứng minh rõ nét qua hình tượng của rồng. Rất nhiều di tích ở Thừa Thiên Huế đến nay vẫn còn lưu giữ các chi tiết, hình tượng về rồng như Cửu Đỉnh, Điện Thái Hòa, Nghinh Lương Đình… mang giá trị thể hiện sức mạnh của dân tộc ta.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, hình tượng rồng được tạo hình và phát triển trên nhiều chất liệu, trong đó có thể kể đến chất liệu đồng, gốm, đá, gỗ sơn son thếp vàng, mây tre đan. Riêng trong thời nhà Nguyễn, các nhà nghiên cứu đã tìm được 15 chất liệu được người xưa dùng để tạo hình con rồng. Theo đó, các chi tiết trong kiến trúc có sự xuất hiện của rồng như các bộ phận trên đỉnh mái.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình (Trường đại học Nghệ thuật Huế - Đại học Huế) cho rằng: “Vùng đất Thừa Thiên Huế là nơi Phật giáo đóng vai trò quan trọng cho nên hình tượng rồng ở đây đã có sự hài hòa với rồng trong Phật giáo. Từ đó, phẩm chất, tâm thức của người Huế thời Nguyễn nằm trong biểu tượng rồng mang dáng vẻ vừa phải, không quá mạnh mẽ như rồng thời Trần, Lê và cũng không quá hiền hòa như rồng thời Lý”.

Một điều chắc chắn rằng, trong thời Nguyễn, những con rồng nằm ở các công trình quan trọng nhất như Điện Thái Hòa, nơi thiết triều, tiếp đón các sứ thần, là bộ mặt của triều Nguyễn thì tất cả các con rồng trên đỉnh mái được làm đúng theo một mô-đun nhất định. Cụ thể, từng chiếc vảy cắt gọt theo các mảnh gốm vàng để gắn lên thân rồng, việc diễn tả hình ảnh được thực hiện rất kỹ lưỡng. Khối hình, định lượng về con rồng tùy thuộc vào nghệ thuật kiến trúc của từng nơi. Đơn cử, tại Lăng Khải Định, với 127 bậc thềm dẫn vào lăng cho nên bộ phận lan-can được tạo hình con rồng đòi hỏi chiều dài toàn thân rồng phải tương xứng chiều dài của lan-can.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình, tại Huế có những con rồng với kích thước rất to, dài nhưng xét về mặt nghệ thuật thì rất bình thường. Cũng có những con rồng tuy nhỏ nhưng rất đáng để nghiên cứu, đánh giá. Độ diễn tả, khả năng biểu cảm của những con rồng nhỏ này được giới nghiên cứu đánh giá rất cao. Đó có thể trở thành đại diện cho sự mẫu mực trong hình tượng rồng thời Nguyễn.

Đến nghệ thuật pháp lam

Rồng trên pháp lam, một chất liệu rất riêng được khai thác, kết hợp với vẻ uy quyền của rồng đã tạo ra nét độc đáo, tự hào của người dân xứ Huế. Những đồ gia dụng đều có sự xuất hiện của hình ảnh con rồng hay trong kiến trúc, những chiếc hồ lô nằm trên đỉnh mái có kích thước rất lớn… mang theo dáng dấp của rồng. Với sự kết hợp giữa nghệ thuật pháp lam với hình tượng rồng đã giúp cho tính bền chắc của rồng qua thời gian dài được bảo đảm nguyên vẹn.

“Rồng trên pháp lam có một sự thiện cảm nhất định bởi tính bền chắc của nó. Mầu sắc rất sáng rõ, tươi tắn, rất hấp dẫn. Mặt khác, do phần lớn hình tượng rồng nằm ở ngoài trời, phải chống chịu với thời tiết, khí hậu nhưng nó luôn bóng sáng, thể hiện rõ ý nghĩa biểu tượng về sự dũng mãnh nhất định”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình nêu đánh giá.

Bộ mầu sắc đặc trưng của nghệ thuật pháp lam với các mầu như hồng, xanh lơ (xanh chàm, đen đục, trắng ngà, vàng chanh (vàng kim loại). Với nền mầu mang tính chất đặc biệt riêng, hình ảnh rồng được nằm trên bộ mầu này giúp nâng đỡ hình tượng cho rồng, tạo ra cảm giác thu hút thị giác cho người nhìn.

Kiểu thức Lưỡng Long trong hình tượng con rồng ở Huế thường mang hình ảnh theo vế như “Lưỡng Long chầu…”. Đó có thể là hai con rồng chầu vào một khối cầu hình tròn, là đại diện cho châu báu, gọi là “Lưỡng Long tranh châu”. Hay hình thức “Lưỡng Long chầu bầu thái cực”, là chiếc hồ lô. Ngoài ra còn có “Lưỡng Long chầu nguyệt” (hai con rồng chầu mặt trăng) với hình thức hai con rồng chầu vào một hình tròn, có đám mây nằm ngang; cùng với đó là “Lưỡng Long chầu nhật”, với chi tiết nhận dạng ở hình tròn có tia lửa bùng lên thẳng đứng.

Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế rất chú trọng giá trị của trùng tu. Với kinh nghiệm cao trong việc bảo tồn di tích cho nên công tác trùng tu được thực hiện bài bản, khoa học, đúng với bản vẽ ban đầu của các di tích. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình cho hay: “Với con rồng trong cung đình là rồng năm móng, đội ngũ thợ hiện nay ở Huế đã tiến hành phục dựng đúng nguyên trạng di tích. Từ đây, sức thu hút du lịch đến với Huế sẽ có sự gia tăng đáng kể bởi du khách trong và ngoài nước được chứng kiến những giá trị của cha ông để lại. Đối với du lịch, bảo tồn mới là điều quan trọng chứ không chỉ là nhìn, xem cái gì”.