Ra mắt sách về Việt Nam của nhà Việt Nam học kỳ cựu tại Nga

NDO - Ngày 7/12, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) tổ chức lễ ra mắt sách “65 năm cùng Việt Nam. Những hồi ức” của Tiến sĩ Evgeny Kobelev, nhà nghiên cứu hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN.
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả Kobelev ký sách tặng độc giả. (Ảnh: Thanh Thể)
Tác giả Kobelev ký sách tặng độc giả. (Ảnh: Thanh Thể)

Tại lễ ra mắt sách, ông Kobelev bày tỏ cảm ơn những người bạn Việt Nam đã luôn giúp đỡ ông trong quá trình học tập, nghiên cứu và làm việc, đồng thời hy vọng những câu chuyện trong cuốn sách ít nhiều sẽ giúp ích cho công tác giảng dạy, nghiên cứu về Việt Nam, cũng như khu vực.

Trong cuốn sách “65 năm cùng Việt Nam. Những hồi ức” vừa ra mắt, tác giả Kobelev chia sẻ về những chặng đường quan trọng trong cuộc đời gắn bó chặt chẽ với Việt Nam, trong đó có thời sinh viên theo học ở Việt Nam. Sau khi ra trường, ông Kobelev làm phiên dịch viên, nhà báo. Tác giả có giai đoạn quan trọng làm việc tại Ban Đối ngoại Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (trước đây), phụ trách nhiều vấn đề về quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Evgeny Kobelev là người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, có nhiều lần tham gia các hội thảo khoa học ở Việt Nam và nhiều nước châu Âu. Nội dung này cũng được tác giả đề cập trong cuốn sách mới. Ngoài ra, ông Kobelev cũng dành ra một phần để nhìn lại một số sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam.

Ra mắt sách về Việt Nam của nhà Việt Nam học kỳ cựu tại Nga ảnh 1

Quang cảnh lễ ra mắt sách. (Ảnh: Thanh Thể)

Diễn ra bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, giảng viên và sinh viên. Theo yêu cầu của sinh viên Nga, tác giả chia sẻ lại những lần vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam. Những kỷ niệm đó đã được ông Kobelev kể lại trong các cuốn sách, công trình nghiên cứu về Người.

Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, Tham tán, Trưởng phòng chính trị Nguyễn Thị Hồng Nam nhấn mạnh, nhà sử học, nhà báo, nhà Việt Nam học Evgeny Kobelev là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam. Bằng những công trình nghiên cứu, ông Kobelev không chỉ giúp nhân dân Nga và thế giới hiểu hơn về tinh thần đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập và thống nhất đất nước, mà còn tích cực giới thiệu những thành tựu của Việt Nam trong tiến trình mở cửa, phát triển đất nước.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng Nam, người dân Việt Nam luôn biết ơn và đánh giá cao những công trình nghiên cứu, tác phẩm sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như tình yêu của tác giả đối với đất nước và con người Việt Nam.

Ra mắt sách về Việt Nam của nhà Việt Nam học kỳ cựu tại Nga ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Hồng Nam tặng hoa tác giả. (Ảnh: Thanh Thể)

Tiến sĩ khoa học Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN bày tỏ vui mừng vì dù tuổi cao, tác giả Kobelev vẫn nỗ lực cho ra đời tác phẩm thú vị. Ông Mazyrin nhấn mạnh, ông Kobelev không chỉ chuyên tâm nghiên cứu Việt Nam, mà còn tích cực phổ biến những kiến thức về Việt Nam để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN nhận định, từng là phóng viên trải qua những sự kiện quan trọng ở Việt Nam, tác giả Kobelev có nhiều điều thú vị để chia sẻ với độc giả. Ông Mazyrin giá cao những công trình nghiên cứu về Việt Nam và đóng góp của Tiến sĩ Kobelev dành cho Trung tâm.

Ra mắt sách về Việt Nam của nhà Việt Nam học kỳ cựu tại Nga ảnh 3

Cuốn sách “65 năm cùng Việt Nam. Những hồi ức”. (Ảnh: Thanh Thể)

Cũng có mặt tại sự kiện hôm nay, giảng viên tiếng Việt Svetlana Glazunova khẳng định, tác giả Kobelev là một trong những người thuộc thế hệ xây dựng nền móng cho quan hệ Việt-Nga. Những chia sẻ của tác giả là rất thú vị và hữu ích cho các thế hệ sinh viên theo học tiếng Việt và ngành Việt Nam học ở Nga.

Cuốn sách “65 năm cùng Việt Nam. Những hồi ức” hướng đến độc giả là các chuyên gia, giảng viên và sinh viên đang nghiên cứu về Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, cũng như nhiều lĩnh vực khác. Tác giả Kobelev hy vọng cuốn sách có thể sớm được dịch sang tiếng Việt.