Ngày 7/11/1991 sẽ mãi mãi còn trong ký ức của tôi. Tôi đón ngày lễ này trong một khách sạn nhỏ ở Hải Phòng. Khi cùng vợ và con xuống nhà hàng ăn sáng, chúng tôi nhận lời chào và chúc mừng bằng tiếng Nga từ người chủ khách sạn. Điều đó còn gây ngạc nhiên và đáng quý hơn khi vào ngày này ở Moskva đã không còn lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ để kỷ niệm một sự kiện có ý nghĩa quan trọng.
Ngày lễ 7/11 đã được thay bằng ngày 4/11. Chính quyền nêu rõ, đầu thế kỷ 17, vào ngày này, quân xâm lược Ba Lan đã bị đánh đuổi khỏi Moskva. Ngày lễ 4/11 được gọi là ngày thống nhất dân tộc, dù rất ít người ở Nga hiện nay hiểu rõ về dịp này. Không chỉ đối với tôi, mà với hầu hết người dân Nga, tháng 11 gắn liền với ngày kỷ niệm chiến thắng của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại.
Sách giáo khoa cho các trường học Nga vẫn nhấn mạnh, xét về mức độ tác động các tiến trình lịch sử, xã hội và chính trị thế giới, ý nghĩa Cách mạng Tháng Mười lớn hơn tất cả các cuộc cách mạng trước đó ở các nước khác. Những người cộng sản vẫn tổ chức kỷ niệm ngày 7/11. Năm 2017, cuộc gặp gỡ quốc tế các Đảng Cộng sản và công nhân được tổ chức tại Moskva, với sự tham dự của đại diện 103 chính đảng, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tôi biết rằng ở Việt Nam, ngày 7/11 được tôn vinh. Kết quả của Cách mạng Tháng Mười được đề cao. Truyền thống này bắt nguồn từ công việc của những người cộng sản Việt Nam đầu tiên, trước hết là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách mạng Tháng Mười thắng lợi là ngôi sao chỉ đường để Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng, bảo vệ đất nước.
Rất tiếc là tôi không được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng tôi đã được tiếp xúc với những người cộng sản Việt Nam. Họ từng sống ở Moskva và cùng nhân dân Liên Xô (trước đây) kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Chúng ta phải cảm ơn Cách mạng Tháng Mười đã đặt nền móng cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta. Nếu không có cuộc cách mạng năm 1917, quyền lực tại Nga tiếp tục nằm trong tay giai cấp phong kiến và tư sản, quan hệ Liên bang Nga-Việt Nam sẽ không được quan tâm phát triển.
Trở thành trung tâm quốc tế của cuộc đấu tranh giải phóng những người bị áp bức, nước Nga thời Xô-viết đã thu hút những lực lượng tiến bộ nhất từ các dân tộc thuộc địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số nhà cách mạng khác của Việt Nam đã đến Nga và gây dựng tình bạn giữa hai dân tộc chúng ta. Mối quan hệ này đã trải qua nhiều giai đoạn, được tôi luyện trong các cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Tình bạn này cũng hỗ trợ rất nhiều trong những năm tháng Việt Nam xây dựng đất nước.
Sau khi Liên Xô tan rã, thế giới và Việt Nam có nhiều thay đổi. Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong công cuộc đổi mới. Mối quan hệ kinh tế Liên bang Nga-Việt Nam dựa trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Hai bên đầu tư vào nền kinh tế của nhau. Các trường đại học Nga tuyển sinh hàng trăm sinh viên Việt Nam mỗi năm.
Một đoàn công tác của Hội Hữu nghị Việt-Nga đang có mặt tại Nga. Vào ngày 7/11 tới đây, những người bạn Nga và Việt Nam sẽ cùng kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.