Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội tăng 8,89%, vượt kế hoạch đề ra là 7-7,5% và cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (8,02%). Quy mô kinh tế của Hà Nội đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 50 tỷ USD. Hà Nội thu ngân sách đạt hơn 300 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao.
Yêu cầu cao hơn
Là năm bản lề, sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025, Thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; đồng thời triển khai thực hiện nhiều chủ trương, đề án lớn cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/T.Ư ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; cùng nhiều nhiệm vụ, dự án, công trình quan trọng, trong đó có khởi công Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô; sửa đổi Luật Thủ đô; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; quy hoạch hai thành phố trực thuộc Thủ đô.
Năm 2023, thành phố đã thông qua các chỉ tiêu chính phát triển kinh tế xã hội với 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: tăng trưởng khoảng 7,0%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 150 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6%...
Để cụ thể hóa các mục tiêu này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố tập trung vào ba khâu đột phá là tiếp tục làm tốt hơn nữa việc huy động các nguồn lực đầu tư; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm; thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ các dự án đầu tư công, nhất là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô.
Khối lượng công việc rất lớn, nên nếu không tập trung thực hiện từ những ngày đầu, tháng đầu của năm sẽ khó đạt kết quả cao. Trên cơ sở kết quả đã đạt được, thành phố tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tập trung triển khai hiệu quả, thực chất hơn nữa chủ đề công tác năm 2023: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định: “Từ chủ đề công tác năm của thành phố, quận quyết tâm tạo chuyển biến thực chất về kỷ cương; để các cấp ủy là hạt nhân duy trì bền vững sự ổn định và đồng thuận xã hội; các cấp chính quyền là nơi tin cậy của người dân, thực hiện tốt vai trò quản lý; cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ với tinh thần phục vụ, gương mẫu, trách nhiệm và thân thiện”.
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, Sở sẽ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương của các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp; giám sát cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện công việc đúng quy trình, thời hạn, không bỏ sót nhiệm vụ, đùn đẩy, né tránh công việc.
Vào cuộc bằng tâm huyết, trách nhiệm
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa cho biết, năm 2023, huyện phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 11,5%, thu ngân sách trên địa bàn huyện là 797,15 tỷ đồng, chi ngân sách địa phương 2.349,83 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn 74 triệu đồng, tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 65%.
Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao tăng thêm ba đơn vị, nâng tổng số xã đạt nông thôn mới nâng cao lên tám xã, một xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Để hoàn thành các mục tiêu trên, huyện Chương Mỹ thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: Đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ và phục hồi kinh tế. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tại hội nghị gặp mặt cán bộ chủ chốt cơ quan Thành ủy đầu Xuân 2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ đặt ra khó khăn, thách thức; đòi hỏi ngày càng cao. Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tôi đề nghị các cấp, các ngành và từng cán bộ chủ chốt thành phố phải vào cuộc bằng tâm huyết, trách nhiệm với nhân dân. Chúng ta phải có niềm say mê với công việc và tình yêu đối với Hà Nội mới có thể vượt qua mọi khó khăn để có kết quả tốt”.
Đồng chí chỉ đạo, các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục hành chính; phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố; thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số; thực hiện quyết liệt việc khắc phục các hạn chế đã chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2022; chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Trung ương, các kết luận thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, giám sát.
“Từng cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quy chế làm việc, phối hợp giải quyết các công việc liên quan; phát huy đoàn kết, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; sâu sát cơ sở; chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cơ sở”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu ■