Quyết liệt tăng tốc thực hiện các mục tiêu phát triển

Hội nghị Trung ương lần thứ 10 thống nhất xác định thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng là mục tiêu cao nhất của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2025. Phát huy kết quả những năm qua, với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, cấp ủy, chính quyền các địa phương đang có những hành động quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Với nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc..., tỉnh Ninh Bình xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. (Ảnh Duy Linh)
Với nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc..., tỉnh Ninh Bình xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. (Ảnh Duy Linh)

Bài 1: Nhận diện khó khăn, biến thách thức thành cơ hội

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bám sát Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, căn cứ tình hình thực tiễn, trăn trở tìm hướng đi và các giải pháp, nhiều địa phương đã vượt qua thách thức, khai thác tiềm năng, thế mạnh. Hướng về cơ sở, nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, chủ động, sáng tạo là phương châm hành động tạo ra hiệu quả thiết thực.

Chủ động, tích cực, sáng tạo

Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phấn đấu xây dựng địa phương trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Ðồng bằng sông Hồng. Nghị quyết đại hội xác định năm nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá. Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh cụ thể hóa bằng nhiều đề án, chương trình, kế hoạch; trong đó tập trung phát huy thế mạnh của vị trí trung tâm vùng, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, du lịch.

Tỉnh huy động nguồn lực xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình toàn diện về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Nhờ hướng đi đúng, Thái Bình từ tỉnh thuần nông đã trở thành điểm thu hút, phát triển công nghiệp trọng điểm của khu vực Ðồng bằng sông Hồng.

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 7,01% so với năm 2023; bình quân tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2024 tăng 1,35% so với bình quân chung cả nước. Quy mô nền kinh tế xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố. Bài học được tỉnh rút ra là dựa vào dân, phát huy sức mạnh nhân dân.

Quá trình xây dựng Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã ghi nhận hàng trăm nghìn ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ của nhân dân. Ðây là nền tảng quan trọng, giúp Ðảng bộ tỉnh chọn đúng hướng đi, biến thách thức thành thời cơ, vận hội.

Tỉnh Ninh Bình có nguồn tài nguyên du lịch phong phú; nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn; nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với các lễ hội dân gian, nghệ thuật truyền thống độc đáo... Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, khi vừa bắt đầu triển khai Nghị quyết, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch.

Với quyết tâm vượt qua thách thức, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh thống nhất giữ vững mục tiêu, vừa tập trung thực hiện công tác chống dịch vừa triển khai các nhiệm vụ Nghị quyết đề ra. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phát huy vai trò tiền phong của đảng viên trở thành giải pháp trọng tâm. Các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên đồng loạt nắm bám từng người dân, vận động vững tâm giữ vững ngành nghề truyền thống, bảo đảm hoạt động các khu di tích, cơ sở du lịch văn hóa.

Các cơ quan chuyên môn trong tỉnh khẩn trương huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch… Tinh thần quyết tâm, chủ động của cán bộ và nhân dân đã giúp du lịch Ninh Bình đứng vững, phát triển. Ngay sau khi kinh tế thế giới phục hồi, các cơ sở du lịch của tỉnh sẵn sàng đón khách.

Theo đồng chí Bùi Mai Hoa, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, quyết tâm, thống nhất trong tổ chức thực hiện nghị quyết, đồng thời nắm vững, vận dụng đúng đắn, sáng tạo phương thức lãnh đạo của Ðảng trong công tác tuyên truyền là một bài học làm nên sức bật của tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ vừa qua.

Ninh Thuận từng ở trong nhóm địa phương nghèo nhất cả nước vì thổ nhưỡng, khí hậu ở đây khắc nghiệt với đặc trưng là đồi núi đất sỏi, khô hạn, gió một chiều và nắng quanh năm. Nhưng chính những khó khăn này đã mang lại cho Ninh Thuận nhiều giá trị khác biệt, riêng có như nguồn năng lượng tái tạo vô hạn, du lịch trải nghiệm độc đáo, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao…

Với quyết tâm biến thách thức thành cơ hội, nhiệm kỳ 2020-2025, Ðảng bộ tỉnh đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu…

Ðây là những nhiệm vụ vô cùng khó khăn, để thực hiện, Tỉnh ủy xác định xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, trí tuệ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là giải pháp điểm tựa đưa Nghị quyết của Ðảng bộ tỉnh sớm đi vào cuộc sống.

Ðồng chí Lâm Ðông, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy thông tin, ngay đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã ban hành Ðề án số 02-ÐA/TU và Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua triển khai, chất lượng đội ngũ cán bộ nâng cao rõ rệt, nhất là tinh thần tiền phong gương mẫu trong nhận và thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, lĩnh vực mới, phức tạp, giúp các cấp ủy triển khai hiệu quả nhiều mục tiêu, nhiệm vụ.

Ðồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian gần đây, địa phương bứt phá mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Giai đoạn 2018-2023, quy mô nền kinh tế tỉnh tăng gấp hơn 1,7 lần, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt gần 9%, ở trong nhóm cao nhất cả nước. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,74%, đưa Ninh Thuận vươn lên nhóm các tỉnh có thu nhập trung bình. Tỉnh đã hoàn thành 16/18 chỉ tiêu Ðại hội Ðảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Nam Ðịnh có nhiều làng nghề truyền thống, sản phẩm rất đa dạng và tinh xảo, được người tiêu dùng ưa thích. Dựa vào tiềm năng, Tỉnh ủy định hướng tập trung nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội. Nhiệm kỳ 2020-2025, Ðảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu trở thành địa phương về đích nông thôn mới sớm nhất cả nước.

Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Các huyện ủy, thành ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề; các xã, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Ðến nay toàn tỉnh có 142/146 xã (chiếm 97,3%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 47/146 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 32,2%), vượt mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra. Giao Thủy là huyện đầu tiên của Nam Ðịnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Xã Giao Phong (huyện Giao Thủy) được Trung ương tín nhiệm chọn thí điểm xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh. Thành công xây dựng nông thôn mới tạo nền tảng vững chắc đưa Nam Ðịnh tăng tốc, tạo đột phá trong đầu tư các công trình, dự án hạ tầng kinh tế-xã hội lớn, mở ra không gian phát triển mới.

Khảo sát từ đảng bộ các tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, hầu hết các cấp ủy, chính quyền đã bám sát nguyên tắc, phương thức lãnh đạo của Ðảng, tập hợp và phát huy trí tuệ, nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân trong triển khai mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Cả nước có 10 tỉnh, thành phố ghi nhận tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng trên 10% trong năm 2024 là Bắc Giang, Thanh Hoá, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Hà Nam, Lai Châu, Hải Dương, Khánh Hòa, Trà Vinh, Nam Ðịnh. Trong đó, Lai Châu là địa phương ở trong nhóm nghèo nhất cả nước đã có bước nhảy vọt vượt bậc, tăng 55 bậc so với năm 2023, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố.

Những nỗ lực này của các địa phương đang góp phần tích cực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển mà Ðại hội XIII của Ðảng đề ra. Tỉnh Bắc Ninh là một điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển từ tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền. Ðến nay, Bắc Ninh cơ bản hoàn thành các chương trình, đề án của nhiệm kỳ.

Năm 2024, kinh tế tăng trưởng 6,03%; hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 19/19 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 1,32 triệu tỷ đồng; hoàn thành 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (sớm nhất cả nước). Thu ngân sách giai đoạn 2021-2025, bình quân tăng 4,7%/năm; năm 2024, đạt hơn 33 nghìn tỷ đồng, tăng 13,29% (trở lại vị thế nhóm 10 địa phương thu ngân sách cao nhất cả nước).

Hướng về cơ sở, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản. Ðổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng bám sát cơ sở, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc kịp thời phát hiện, giải quyết khó khăn ngay từ cơ sở là phương châm hành động được nhiều cấp ủy triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhiệm kỳ 2020-2025, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Ninh là những địa phương tạo được sức bật trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Bài học chung được các tỉnh ủy, thành ủy rút ra là đổi mới tư duy lãnh đạo, lấy người dân làm trung tâm, mọi việc đều dựa vào dân, lấy sự đồng thuận của nhân dân làm sức mạnh hóa giải thách thức và huy động nguồn lực, sức sáng tạo xã hội.

Giống như một số địa phương khác, Thái Nguyên trong bước chuyển từ nông, lâm nghiệp sang thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp phải đối mặt với vô vàn khó khăn, trong đó điểm nghẽn lớn nhất là giải phóng mặt bằng. Tỉnh ủy tăng cường công tác chỉ đạo, thành lập Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, thường xuyên theo dõi, đôn đốc công việc.

Với khẩu hiệu “dân vận đi trước mở đường”, hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội các cấp tham gia từ giai đoạn đầu triển khai các dự án trọng điểm. Ngoài thông báo, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, các cán bộ làm công tác dân vận chủ động phối hợp chính quyền và các cơ quan chức năng tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết nhanh, dứt điểm khó khăn, vướng mắc.

Từ thực tiễn triển khai, Thái Nguyên rút ra bài học đổi mới tư duy phải cùng với đổi mới hành động. Coi trọng nhân dân, các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tỉnh chủ động, tích cực đối thoại với nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, góp ý của nhân dân, củng cố mối quan hệ khăng khít, gắn bó giữa cán bộ với nhân dân.

Coi trọng nhân dân, huy động nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân bằng triển khai thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở là đổi mới rõ nét mang lại hiệu quả cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Văn Giang đánh giá, dân chủ cơ sở được triển khai tốt đã khơi dậy sức mạnh và nguồn lực trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Tại Thái Bình, người dân tự nguyện đóng góp hàng trăm tỷ đồng xây dựng nông thôn mới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự chung tay, góp sức của nhân dân tạo kết quả vượt bậc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện cả nước có hơn 6.000 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm tỉnh là Nam Ðịnh, Ðồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Trong thực hiện các mục tiêu phát triển, công tác cán bộ được nhiều địa phương xem là một trong những điểm tựa tạo bứt phá. Nhiều giải pháp mới được áp dụng triển khai. Giao việc, khoán việc cho cấp ủy, đơn vị, gắn với trách nhiệm người đứng đầu là cách làm mới trong nhiệm kỳ vừa qua tại nhiều địa phương.

Năm 2023, trong Chương trình hành động số 135 của Tỉnh ủy Yên Bái, thực hiện giao chỉ tiêu về môi trường đối với huyện Trấn Yên với tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn ở khu vực nông thôn đạt 40% và ở khu vực đô thị là 98,3%. Tỉnh Ninh Thuận thực hiện phân công “5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”. Tỉnh Quảng Trị thực hiện “cam kết trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo gắn với sản phẩm cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo”…

Ðổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đã mang lại nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội các địa phương, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân. Năm 2025, để hoàn thành mục tiêu của nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, với nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt, các địa phương đang tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng, sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới.

(Còn nữa)