Quảng Ninh hướng đến là trung tâm công nghiệp hỗ trợ trọng điểm

NDO - Chiều 26/3, tại Quảng Ninh đã diễn ra hội thảo: Phát triển ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam gắn với sản xuất, lắp ráp ô-tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam tại Quảng Ninh.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Dự hội thảo có các đồng chí: Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Công thương; Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, khẳng định, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trong những trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong giai đoạn 2021-2024, tốc độ tăng bình quân của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh đạt hơn 21%, tổng nguồn vốn đầu tư vào ngành đạt hơn 8,6 tỷ USD (trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 6,1 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương đứng đầu cả nước trong năm 2023, 2024).

Đặc biệt, khu công nghiệp Việt Hưng đang được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ trọng điểm trong thời gian tới của tỉnh Quảng Ninh và khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Quảng Ninh hướng đến là trung tâm công nghiệp hỗ trợ trọng điểm ảnh 1

Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, với vị trí chiến lược và hạ tầng giao thông, hạ tầng các cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại cùng nguồn tài nguyên và lao động dồi dào, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, tỉnh Quảng Ninh có nhiều lợi thế trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo gắn với sản xuất, lắp ráp ô-tô và phát triển công nghiệp đường sắt.

Quảng Ninh hướng đến là trung tâm công nghiệp hỗ trợ trọng điểm ảnh 2

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý, bên cạnh những thành tựu đạt được trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Quảng Ninh vẫn cần khắc phục một số hạn chế, yếu kém để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn như: thiếu các dự án có hàm lượng công nghệ cao; thiếu các doanh nghiệp dẫn đầu có tầm cỡ khu vực và quốc tế để tạo hệ sinh thái phát triển bền vững cho công nghiệp hỗ trợ.

Quảng Ninh hướng đến là trung tâm công nghiệp hỗ trợ trọng điểm ảnh 3

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo cũng được nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đi sâu phân tích, đánh giá nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện, nhằm tạo động lực mới thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo, phát triển hệ thống đường sắt nói riêng phát triển nhanh, bền vững, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Quảng Ninh hướng đến là trung tâm công nghiệp hỗ trợ trọng điểm ảnh 5

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Hội thảo cũng là dịp để các bộ, ban, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục tham gia góp ý vào dự thảo các văn bản quan trọng này. Đây là những nội dung rất quan trọng, có tính thời sự thiết thực, không chỉ đối với sự phát triển của ngành công thương và tỉnh Quảng Ninh, mà còn đối với sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu có, thịnh vượng của dân tộc.