Hội thảo thu hút đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ngãi và đại diện các sở, ngành của tỉnh tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương nhìn nhận, thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thật sự sâu sắc, chưa mạnh dạn trong việc đầu tư ứng dụng các nền tảng số, giải pháp công nghệ mới trong sản xuất-kinh doanh.
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương phát biểu tại hội thảo. |
Từ thực tế trên, đồng chí cho rằng, để ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí, góp phần phát triển doanh thu và linh hoạt ứng phó với các biến động bất ngờ của thị trường vì mục tiêu phát triển bền vững, lãnh đạo doanh nghiệp cần có tư duy đột phá, chiến lược dài hạn cho quá trình chuyển đổi số trong mọi hoạt động, bao gồm cả quản lý, sản xuất, kinh doanh và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Quá trình chuyển đổi số gồm 3 yếu tố chính gồm: nhận thức, kỹ năng và công nghệ. Cả 3 yếu tố này đều xoay quanh nền tảng số.
“Với mục tiêu trên, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở ra các mô hình kinh doanh mới, các giá trị kinh tế mới, thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị về chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ngãi”, đồng chí Hà Hoàng Việt Phương cam kết.
Chị Lê Thị Duy Huyên, chuyên gia của Doosan Vina chia sẻ quá trình chuyển đổi số về nhà máy thông minh. |
Tại hội thảo, các chuyên gia của Doosan Vina phụ trách các lĩnh vực: công nghệ thông tin, nhà máy thông minh, văn phòng thông minh, hạ tầng thông minh, lĩnh vực tối ưu hóa hiệu suất hệ thống đã chia sẻ những kinh nghiệm, thành công của Doosan Vina đã áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh.
Theo chuyên gia lĩnh vực nhà máy thông minh Lê Thị Duy Huyên, quá trình chuyển đổi số mà Doosan Vina đang áp dụng bao gồm việc kết hợp công nghệ IoT và ICT, vận dụng giải pháp PLC để chuyển đổi số thông tin sản xuất của các thiết bị vốn có.
Đồng thời, sử dụng robot kiểm tra chất lượng hàng, mã QR để quản lý vật tư và quy trình sản xuất, trực quan hóa quy trình quản lý sản xuất, dịch vụ điện toán đám mây, đồng thời cũng đang tiến hành nghiên cứu phát triển theo dõi vật liệu trong phạm vi 10km bằng công nghệ Lora và phát triển công nghệ nhận diện vật thể sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Tổng Giám đốc Công ty Doosan Vina, ông Kim Hyo Tae khẳng định chuyển đổi số áp dụng tại Doosan Vina đã mang lại nhiều thành quả lớn trong sản xuất và quản lý. |
Tổng Giám đốc Công ty Doosan Vina, ông Kim Hyo Tae khẳng định, những chuyển đổi số áp dụng tại Doosan Vina đã mang lại những đóng góp tích cực trong hoạt động cải tiến quản lý kinh doanh như: quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, quản lý lịch trình, quản lý chi phí và quản lý nhân lực, góp phần mang lại nhiều thành quả lớn trong sản xuất và các lĩnh vực quản lý.
“Những kinh nghiệm quản lý ưu tú mà các chuyên gia IT của Doosan Vina chia sẻ đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tại hội thảo là công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả nhằm cải thiện các công đoạn quản lý, vận hành doanh nghiệp. Doosan Vina sẵn sàng hỗ trợ, cung cấp dịch vụ kỹ thuật số theo yêu cầu của doanh nghiệp”, ông Kim Hyo Tae cho biết.