Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất phải có tầm nhìn xa nhưng bước đi nhỏ

NDO - Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, để chuyển đổi số thành công trong doanh nghiệp sản xuất phải có tầm nhìn xa nhưng bước đi nhỏ. Tầm nhìn xa là phải có chiến lược phát triển, có bộ chỉ số thể hiện mức độ trưởng thành trong từng ngành và bước đi nhỏ là để có phải làm lại thì chi phí cũng không lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: CTV.
Ảnh minh họa: CTV.

Những chia sẻ của doanh nghiệp ngành dệt may và lĩnh vực giao thông vận tải trong cuộc tọa đàm khoa học “Chuyển đổi số quốc gia từ góc nhìn sản xuất” do Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng tổ chức mới đây đã cho thấy, quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Không có giải pháp chung cho mọi doanh nghiệp

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cho biết, mô hình chuyển đổi số tại đơn vị này là “mẹ bỏ tiền, con bỏ sức”, nghĩa là Tập đoàn bỏ chi phí hỗ trợ công ty thành viên thực hiện.

“Với đặc thù là doanh nghiệp quy mô lớn, có sự phân tán về địa bàn và khác biệt rất lớn về công nghệ giữa các công ty thành viên như Vinatex thì đó là cách làm linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế để vẫn có thể chuyển đổi số mà không phải chờ thay đổi mô hình tổ chức của tập đoàn”, ông Lê Tiến Trường chia sẻ.

Việc chuyển đổi số được thực hiện trước tiên ở ngành sợi vì đó là khu vực có nhiều tài sản nhất, có lợi thế cạnh tranh nhất và có điều kiện tốt hơn về trang thiết bị công nghệ.

Năm 2020, Công ty cổ phần Sợi Phú Bài quyết định đầu tư nhà máy sợi hai tầng đầu tiên trong hệ thống các đơn vị ngành sợi của Vinatex với quy mô 30.000 cọc sợi, công nghệ mới nhất của Thụy Sĩ, tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng.

Đây là dây chuyền tự động, được số hóa và quản trị tập trung đến từng cọc sợi tại Trung tâm điều khiển, có thể cung cấp sản lượng và chất lượng theo thời gian thực cho khách hàng trong chuỗi cung ứng.

Nhà máy chỉ sử dụng 130 công nhân (trung bình 35 công nhân/10.000 cọc sợi), diện tích xây dựng 9.000m2. So quy mô của một nhà máy sợi tương tự, dự án này giảm 84% lao động và chỉ sử dụng một nửa diện tích đất xây dựng, tiết kiệm chi phí lao động bằng 120% chi phí khấu hao tăng thêm và còn lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái để bắt kịp xu hướng xanh hóa ngành dệt may.

Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể chọn cách đầu tư mới như Sợi Phú Bài. Ngành sợi của Vinatex gồm nhiều nhà máy có tổng quy mô 850.000 cọc sợi, sử dụng công nghệ từ năm 1995, nhiều thiết bị không đạt chuẩn để chuyển đổi số nhưng cũng không thể bỏ đi để đầu tư mới thay thế.

Nếu đầu tư như nhà máy sợi Phú Bài, Vinatex cần tổng chi phí khoảng 20.000 tỷ đồng để chuyển đổi số trong ngành sợi trong khoảng 3-4 năm, quy mô lao động sẽ giảm xuống còn khoảng 3.000 người, dôi dư khoảng 7.000-8.000 lao động.

Do đó, Vinatex chọn giải pháp chuyển đổi số từng phần, mỗi năm thực hiện tại 3 nhà máy, quy mô khoảng 80.000 cọc sợi. Sau 10 năm có thể 30-35% doanh nghiệp đạt chuyển đổi số cấp 4 (năm 2032), sau 15 năm có thể có 50% doanh nghiệp đạt mức độ chuyển đổi số cấp 5.

Tính theo quy trình chuyển đổi số 5 bước, sau gần 3 năm triển khai, đến nay mới chỉ có một số công ty sợi của Vinatex đang ở bước 3, đa số vẫn đang thực hiện ở bước 1 và 2.

“Chuyển đổi số không phải có sẵn một bộ giải pháp để doanh nghiệp lựa chọn áp dụng mà là một quá trình vô cùng vất vả, thách thức về trí tuệ. Trong thời gian đầu, khối lượng công việc có thể tăng gấp 1,6-1,7 lần, gây áp lực lớn cho công tác quản trị doanh nghiệp. Nếu chọn bước đi không hợp lý, chi phí sẽ đội lên rất lớn, không đủ nguồn lực để đến đích và quá trình chuyển đối số sẽ thất bại, có thể khiến doanh nghiệp lâm vào khủng hoảng tài chính”, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất phải có tầm nhìn xa nhưng bước đi nhỏ ảnh 1

Việc chuyển đổi số được thực hiện trước tiên ở ngành sợi vì đó là khu vực có nhiều tài sản nhất, có lợi thế cạnh tranh nhất và có điều kiện tốt hơn về trang thiết bị công nghệ. (Ảnh minh họa: CTV)

Thể chế phải đi trước dẫn đường

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, “chuyển đổi số” là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google và là khái niệm được nhắc đến rất nhiều trong đời sống nhưng kết quả triển khai thực hiện chưa đáng kể và chưa rõ hiệu quả.

Trong nền kinh tế, những ngành có nhiều thuận lợi và có mức độ chuyển đổi số cao là tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin và truyền thông.

Riêng khu vực sản xuất chuyển đổi số chậm và khó khăn hơn, cho thấy dư địa còn rất lớn. Thế lưỡng nan của doanh nghiệp khi bắt đầu thực hiện chuyển đổi số là phải lựa chọn phương án mua công nghệ mới hoàn toàn hay cải tạo công nghệ cũ, điều này phụ thuộc rất nhiều về nguồn tài chính và nhân lực của doanh nghiệp và của cả ngành kinh tế.

“Để chuyển đổi số thành công phải có tầm nhìn xa nhưng bước đi nhỏ. Tầm nhìn xa là phải có chiến lược phát triển, có bộ chỉ số thể hiện mức độ trưởng thành số trong từng ngành và bước đi nhỏ là để có phải làm lại thì chi phí cũng không lớn”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt nói.

Dẫn lại số liệu từ khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về chuyển đổi số cho thấy, 60% doanh nghiệp phản ánh vẫn gặp rào cản trong chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ; 52,3% doanh nghiệp phản ánh thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của doanh nghiệp và người lao động, Tiến sĩ Trương Văn Phước, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, khẳng định. còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để quá trình chuyển đổi số đi vào thực chất và có hiệu quả.

"Yêu cầu đặt ra là phải tháo gỡ vướng mắc và hoàn thiện thể chế; đầu tư công nghệ, hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; huy động được các nguồn lực tài chính, đào tạo, thu hút được nguồn nhân lực… Quá trình này nếu không có thể chế đi trước mở đường rất có thể dẫn đến thất bại" - Tiến sĩ Trương Văn Phước nói.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số và kinh tế số không đơn thuần chỉ là bài toán công nghệ mà quan trọng nhất là thể chế do liên quan đến cái mới. Thể chế có tính chất mở đường, công nghệ giữ vai trò quan trọng, con người là yếu tố quyết định.

Từ kinh nghiệm thực tiễn chuyển đổi số ở doanh nghiệp sản xuất và ý kiến thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhấn mạnh: Cần có cái nhìn đa chiều và hiểu đúng về chuyển đổi số. Việc thực hiện số hóa kết nối các thủ tục hành chính công, triển khai Chính phủ điện tử,...không chỉ đơn giản có thể làm được với quyết tâm chính trị. Mà đó là quá trình phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải thay đổi thể chế, chuẩn bị về nguồn nhân lực, nguồn tài chính lớn và cần quỹ thời gian nhất định mới thành công.

Về thể chế, những quy định về tài chính phải được tính toán lại vì thiết bị công nghệ số thay đổi rất nhanh chóng, không thể tính thời gian khấu hao kéo dài như thông thường và giá trị số là tài sản lớn, phải được tính vào tài sản của doanh nghiệp, thay vì chỉ được tính tài sản hữu hình như cơ chế hiện hành. Cách thức chuyển đổi cũng không thể rập khuôn, mà phải linh hoạt, phù hợp với từng đơn vị, cá nhân, ngành cụ thể.

“Cần hiểu rõ về quá trình này để có sự đổi mới về cơ chế và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về vốn và nguồn nhân lực, từ đó lựa chọn các ngành nghề và tính toán khả năng thực hiện chuyển đổi số thành công, tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá cho nền sản xuất quốc gia”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.