Phát biểu khai mạc hội thảo Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức do Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức sáng nay, 26/7, ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc VOV cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các quốc gia, địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giúp các chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực và minh bạch hơn.
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhiều quốc gia đã xây dựng và triển khai các chiến lược, chương trình quốc gia về chuyển đổi số phù hợp chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước.
Tại Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, định hướng quan trọng cho lộ trình chuyển đổi số như: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Bộ Chính trị; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Chuyển đổi số bao gồm ba trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới.
Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh đã mang đến cơ hội phát triển của nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi số ở Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước mang tính chất đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế.
Thiếu nhân lực nội bộ, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu thông tin công nghệ số, thiếu lộ trình chuyển đổi số rõ ràng… là những yếu tố đang cản trở quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp hiện nay.
Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Chiến lược chuyển đổi số (Hội Truyền thông số Việt Nam), doanh nghiệp nhà nước đang gặp rất nhiều thách thức trong quá trình đổi số.
Trước hết là thách thức từ hành lang pháp lý. Vì doanh nghiệp nhà nước có những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ, đó là những yếu tố tạo ra những rào cản khiến quá trình chuyển đổi số chịu rất nhiều ràng buộc, không dễ để thành công.
Việc chuyển đổi cách vận hành trong quá trình chuyển đổi số cũng làm phát sinh những khoản đầu tư lớn nhưng quá trình ra quyết định đầu tư trong khu vực doanh nghiệp nhà nước rất chậm, qua nhiều cấp khiến việc xây dựng các sáng kiến số theo mô hình phát triển nhanh hoặc xây dựng những hệ sinh thái đầu tư mới để thử nghiệm trở nên khó khăn.
Chuyển đổi số đòi hỏi cái nhìn toàn cảnh, cách làm tổng thể và chỉ thành công, hiệu quả với với một tác động tổng thể của tất cả các yếu tố chuyển đổi cùng phối hợp. Tuy nhiên, đây lại là một trở ngại lớn trong cơ chế ra quyết định tại các doanh nghiệp nhà nước...
Để hóa giải những thách thức trên, Viện Chiến lược chuyển đổi số đã xây dựng và phát triển một chiến lược nền tảng thông qua xây dựng kiến trúc dữ liệu nền tảng để chuyển đổi số doanh nghiệp.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể phù hợp cho mọi doanh nghiệp, tổ chức. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về tư duy, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khung khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của quá trình chuyển đổi số để định hình chiến lược và mô hình phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số và các công ty cung cấp dịch vụ tư vấn chuyển đổi số đã trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm, bước đi nhằm cụ thể hóa các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số trong giai đoạn sắp tới.