Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, 6 tháng đầu năm 2024, các cấp ủy, chính quyền đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi để cụ thể hóa thực hiện sát với tình hình ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhờ vậy, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị 6 tháng đầu năm của Đảng bộ tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trên các mặt công tác được đẩy mạnh. Công tác tổ chức cán bộ được quan tâm thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, bảo đảm tính khách quan, dân chủ.
Kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt hơn 28.300 tỷ đồng, tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.355 triệu USD, đạt 54%, tăng 12,6%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.322 triệu USD, đạt 62,8%, tăng 29,5%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 15.279 tỷ đồng, đạt 59,8%, tăng 21,1%.
Kinh tế Quảng Ngãi tiếp tục tăng trưởng, với tổng sản phẩm GRDP 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 28.300 tỷ đồng, tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2023. |
Văn hóa-xã hội, các chính sách đền ơn, đáp nghĩa, giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được quan tâm thực hiện. Công tác tuyển quân đạt mục tiêu đề ra. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận và nhận diện nhiều tồn tại, hạn chế cần phải tập trung tháo gỡ trong thời gian tới. Đó là, công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong khu vực ngoài nhà nước kết quả đạt chưa cao; công tác phát triển đảng viên đạt tỷ lệ còn thấp so với chỉ tiêu được giao trong năm 2024. Số lượng các cuộc kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm chưa nhiều.
Việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy với dân của một số xã, phường, thị trấn vẫn còn chậm; nắm bắt tình hình, định hướng tư tưởng, thông tin cho đoàn viên, hội viên và nhân dân có lúc chưa kịp thời.
Hạ tầng dịch vụ và du lịch vẫn là điểm nghẽn của tỉnh, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; việc triển khai thực hiện một số dự án tu bổ, tôn tạo di tích ở một số địa phương chưa kịp thời.
Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến tỉnh vẫn còn xảy ra; nguồn nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao vẫn còn thiếu so với nhu cầu, nhất là tại tuyến huyện và cơ sở.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công còn chậm; nguồn thu tiền sử dụng đất không đạt theo kế hoạch đề ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư của tỉnh.
Tình trạng khai thác trái phép một số loại khoáng sản vẫn còn diễn ra. Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở một số địa phương còn chậm. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư có mặt còn hạn chế.
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số đơn vị có lúc chưa kịp thời. Số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng, tiềm ẩn những nguy cơ về đảm bảo an ninh trật tự.
Lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi thảo luận tại Hội nghị. |
Theo đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, ngoài các nguyên nhân khách quan do những bất cập về chính sách, pháp luật, nhất là pháp luật đất đai làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thì còn nhiều nguyên nhân chủ quan như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu chưa sâu sát, chưa quyết liệt, còn ngại khó, sợ trách nhiệm.
Lãnh đạo nhiều cơ quan tham mưu chuyên môn chưa chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở các cấp, các ngành có mặt chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn; tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được khắc phục triệt để; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ còn nhiều hạn chế, còn đùn đẩy trách nhiệm.
“Trong những nguyên nhân trên, có nguyên nhân đã được đề cập trong các hội nghị trước đây về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu, trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân chỉ rõ.
Quang cảnh Hội nghị. |
Để khơi thông những điểm nghẽn nhận diện, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2024, Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tích cực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo theo hướng xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm, sâu sát cơ sở; tiếp tục tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức, cán bộ.
Đối với việc phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, tăng cường công tác hỗ trợ, tháo gỡ dứt điểm những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh
Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương hoàn thành Đề án xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất. Chủ động hoàn thiện Đề án phát triển huyện đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo.
Quảng Ngãi chủ động hoàn thiện Đề án phát triển huyện đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo. |
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước đất đai ở cấp huyện, cấp xã; chủ động rà soát, xác định các vướng mắc trong quản lý đất đai để tập trung giải quyết; chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản trái phép.
Tích cực thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh. Thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; điều hành chi ngân sách nhà nước bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả...