Quy định rõ trách nhiệm để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả
Sáng 29/5, tham gia thảo luận ở hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) đánh giá cao kết quả đạt được đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo, đề ra giải pháp xác thực, cụ thể để khắc phục.
Đại biểu Trịnh Minh Bình phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Theo đó, công tác xây dựng ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023 còn chậm, chưa bảo đảm theo thời gian quy định. Vẫn còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một số dự án luật chưa bảo đảm chất lượng; một số dự án luật, pháp lệnh chậm gửi cho các cơ quan thẩm tra; còn một số văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật và có 7 văn bản chưa bảo đảm tính khả thi, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đại biểu cũng nêu thực tế tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ tại một số địa phương để lãng phí; việc ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý, sắp xếp, sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập còn chậm.
Bên cạnh đó là việc chậm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương, việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu thực tế. Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất còn diễn ra; đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất của các nông, lâm trường để hoang hóa; sau thanh tra, kiểm tra còn đến còn 404/908 dự án, công trình chưa được xử lý.
Chất lượng cải cách thủ tục hành chính, chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chậm được khắc phục.
Một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư lớn của Nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả chậm xử lý, khắc phục; tình trạng gian lận, trốn thuế còn lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử; tình hình nợ đọng thuế có xu hướng tăng cao so với năm 2022.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận ở hội trường sáng 29/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Ngoài ra, đại biểu Bình phản ánh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có giải pháp kiên quyết và biện pháp khắc phục triệt để. Trong đó, nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt dưới 10% kế hoạch vốn.
Còn tình trạng phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công chưa bảo đảm tuân thủ Luật Đầu tư công. Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm tại một số cơ quan, đơn vị dẫn đến dự án không thể triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.
Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, văn bản hướng dẫn chậm được sửa đổi, bổ sung; một số địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương của các Chương trình thấp, nhất là giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương…
Trên cơ sở các hạn chế nêu trên, đại biểu đoàn Vĩnh Long bày tỏ thống nhất cao với 9 nhóm giải pháp của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội kiến nghị đối với Chính phủ cũng như những giải pháp mà Chính phủ đã đề ra.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn, quy định rõ hơn trách nhiệm đối với từng bộ ngành, từng nhiệm vụ cụ thể để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả và các hạn chế nêu trên sẽ không còn là rào cản cho sự phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Cần thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Phát biểu ý kiến, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhưng chưa có giải pháp quyết liệt, đó là tình trạng ngần ngại ra các quyết định theo thẩm quyền; tình trạng đùn đẩy, trì hoãn phê duyệt các dự án, cấp các loại giấy phép; tình trạng chậm trả lời các câu hỏi, chậm ban hành các hướng dẫn, chậm giải quyết các khiếu nại, ách tắc của người dân và doanh nghiệp.
"Tình hình này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư công và đầu tư xã hội, gây ra tình trạng đình đốn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội…", đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh). (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, song đại biểu Nghĩa đánh giá, quy định này là chưa đủ.
Đại biểu đề nghị cần có những hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn thì cán bộ, công chức các cấp, các ngành mới yên tâm thực thi công vụ.
Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm khiến một số chính sách hỗ trợ còn chậm, kém hiệu quả
Cụ thể, đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cần có chỉ đạo ban hành Thông tư liên bộ về hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
"Thông tư này cần hướng dẫn cụ thể đồng thời cần sâu sát với tâm tư, những bức xúc của cán bộ các cấp trong cả nước, có như vậy cán bộ, công chức mới an tâm ban hành các quyết định hành chính", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu rõ.
Có chung mối quan tâm, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết, vừa qua, việc đùn đẩy trách nhiệm, giấy tờ qua lại giữa các cơ quan công quyền, chậm giải quyết các yêu cầu chính đáng, đã khiến bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu bày tỏ mong muốn công cuộc cải cách thủ tục hành chính ở Trung ương cũng như địa phương được thực hiện một cách thực chất hơn nhằm giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời, cần tăng cường số hóa để bảo đảm quy trình, thủ tục theo luật định, có cơ chế pháp lý rõ ràng, đảm bảo tránh những rủi ro, tăng cường trách nhiệm cho cả người dân, cán bộ công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết các vụ việc.