Chống “bệnh” sợ trách nhiệm

“Bệnh” sợ trách nhiệm thời gian qua được nhắc đến nhiều trong các đợt sinh hoạt chính trị từ cấp cao nhất của đất nước; rồi trên các diễn đàn báo chí, truyền thông; cả trong trao đổi đời thường, dư luận, nhân dân cũng nói về chuyện này.

Căn bệnh đó, nhìn từ gốc rễ một phần là do giấu dốt, sợ sai, sợ gánh trách nhiệm, sợ liên đới, lo lắng vị trí của bản thân “lung lay”, nên khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì không ít cá nhân, bộ phận không dám làm việc, thậm chí không chịu làm hoặc cố ý làm chậm lại để tránh sai sót, va vấp có thể dẫn đến bị xử lý. Từ đó gây ra sự trì trệ trong công việc, ảnh hưởng đến tập thể, cộng đồng, xã hội.

Nhưng, từ một góc độ khác, xã hội, có thể thấy rõ hơn hiệu quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước ta quyết liệt triển khai. Đó là đã xuất hiện tâm lý biết sợ và không dám làm sai; không dám lợi dụng kẽ hở của pháp luật, cơ chế để làm trái hòng trục lợi cá nhân hay nhóm lợi ích. Sự lo lắng, biết sợ này phần nào đã ngăn chặn được những mầm mống tiêu cực, sai phạm từ lúc mới manh nha. Và những gì là đúng đắn, là thượng tôn pháp luật, là tôn trọng quy định chung, giữ gìn đạo đức, thuần phong cũng sẽ dần được khẳng định nhiều hơn, rõ nét hơn trước xã hội.

Nhưng cùng với đó, nếu để căn “bệnh” sợ trách nhiệm tiếp tục kéo dài, thì cũng như đánh giá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, như phân tích của giới chuyên môn, sẽ càng gây ra sự né tránh, đùn đẩy, càng khiến cho tiến độ công việc ì ạch, lâu hoàn thành, không đáp ứng được nhu cầu xã hội và yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước sau thời kỳ ảnh hưởng dịch bệnh và suy thoái chung.

Để trị “căn bệnh” mang tính thời sự và thời cuộc này cần tiếp tục rà soát, nâng cao hiệu quả áp dụng các cơ chế, chế tài xử lý các trường hợp làm chậm, làm trễ tiến độ, làm việc đình đốn; các trường hợp mà tác phong, ý thức và thái độ cũng như hiệu quả công việc không đáp ứng được yêu cầu công tác, không hoàn thành chương trình, kế hoạch của bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị đề ra. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các bộ phận, thành phần công tác để thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo, tích cực vượt khó. Qua đó cũng kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ những lý do khách quan; giải quyết, xử lý những lý do chủ quan, cố tình “mắc bệnh”. Thí dụ, gắn trách nhiệm cá nhân với từng vị trí, nhân sự; không bảo đảm tiến độ, kết quả thì cải tổ, sắp xếp lại, bổ sung lực lượng hoặc loại bỏ bớt nhân sự. Bên cạnh đó, cũng rất cần sự đồng hành, sát cánh giữa các cấp lãnh đạo, các cấp cán bộ từ trên xuống dưới; giữa các đơn vị, tổ chức, thành phần liên quan để kịp thời hỗ trợ, cùng giải quyết nhằm gỡ những mối nốt, nút buộc mà có khi một, một số cá nhân hay đơn vị, cấp, ngành chưa đủ khả năng giải quyết.

Phát huy các “phương thuốc” trị “bệnh” sợ trách nhiệm, chính là vừa xúc tác chống vừa tăng cường phòng các mầm mống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng. Đặc biệt, rất thiết thực, “thuốc” tốt sẽ càng tăng cường lưu thông, trôi chảy trong hoạt động của các lĩnh vực, địa phương, thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đất nước.