Quảng Ngãi: Phát triển toàn diện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn

NDO - Chiều 18/8, tại huyện miền núi Trà Bồng, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi có buổi đối thoại trực tiếp với đại diện cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân huyện Trà Bồng.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phát biểu kết luận tại buổi đối thoại
Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phát biểu kết luận tại buổi đối thoại

Trong không khí dân chủ, cởi mở, các đại biểu thẳng thắn chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề bức xúc đặt ra trong việc phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi, nhất là sau khi huyện miền núi Tây Trà sát nhập với huyện miền núi Trà Bồng vào năm 2020 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại buổi đối thoại, các đại biểu nêu lên 4 nhóm vấn đề chính gồm: chế độ, cơ chế, chính sách; công tác tổ chức, cán bộ; đất đai, xây dựng cơ bản; vấn đề văn hóa-xã hội, giao thông, thủy lợi và các lĩnh vực khác.

Đối với nhóm cơ chế, cơ chế, chính sách, Bí thư Đảng ủy xã Trà Tây Hồ Thị Vi Na đề nghị xem xét nâng mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn và cán bộ tham gia công tác ở các chi hội cơ sở; có phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn khi thực hiện kiêm nhiệm; hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động cho các chi hội ở cơ sở. Đặc biệt, cần nâng mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách ở xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.

“Chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách ở xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quy định, hỗ trợ một lần với mức 6 triệu đồng/năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội; người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 3 triệu đồng/năm làm việc là quá thấp”, Bí thư Đảng ủy xã Trà Tây Hồ Thị Vi Na trăn trở.

Quảng Ngãi: Phát triển toàn diện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ảnh 1

Quang cảnh buổi đối thoại.

Bà Trần Thị Kim Huệ, người dân xã Trà Bình cho rằng, việc áp dụng mức trần định mức tiêu thụ điện như hiện nay là quá thấp so với nhu cầu sử dụng dẫn đến người nghèo, hộ chính sách phải đóng thêm tiền điện. Do vậy, đề nghị tỉnh kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét nâng mức hỗ trợ tiền điện hằng tháng đối với hộ nghèo, hộ chính sách theo Thông tư 190/2014/TT-BTC ngày 11/12/2014 của Bộ Tài chính.

Tại buổi đối thoại, cán bộ, công chức, viên chức và người dân huyện miền núi Trà Bồng chia sẻ tâm tư về chính sách đối với gia đình người có công, mong muốn Trung ương, tỉnh quan tâm nhiều hơn để có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống trung bình hiện nay.

Quảng Ngãi: Phát triển toàn diện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ảnh 2
Bí thư Đảng ủy xã Trà Tây Hồ Thị Vi Na nêu kiến nghị tại buổi đối thoại.

Đồng thời kiến nghị cần đầu tư xây dựng công trình nước sạch, thủy lợi, trạm y tế, mở rộng, nâng cấp một số tuyến đường giao thông, có giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở trên địa bàn huyện nhằm bảo đảm đời sống, sản xuất và đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo ở vùng miền núi, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Với tinh thần trách nhiệm, cầu thị, các vấn đề nêu ra tại buổi đối thoại đều được Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành trực tiếp trao đổi, trả lời, hướng dẫn, giải thích thấu đáo và có nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, những vấn đề mà cán bộ, công chức, viên chức và người dân huyện miền núi Trà Bồng chia sẻ, kiến nghị hoàn toàn xác đáng, phản ánh đúng những vấn đề từ thực tiễn đặt ra, thể hiện rõ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con nhân dân huyện Trà Bồng.

“Đối với các kiến nghị thuộc về quy định của Trung ương, chúng ta phải nghiêm túc chấp hành và thực hiện; đồng thời tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương xem xét giải quyết. Đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền quyết định của tỉnh, lãnh đạo tỉnh ghi nhận và giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xem xét và đề xuất tháo gỡ, giải quyết kịp thời”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết.

Theo đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, thời gian qua, với trách nhiệm và sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, hệ thống chính trị và toàn xã hội, cùng sự nỗ lực, đoàn kết của hệ thống chính trị và nhân dân huyện Trà Bồng, kinh tế-xã hội của huyện Trà Bồng đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, kinh tế phát triển chưa bền vững, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục, trình độ dân trí còn thấp, một số hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền huyện Trà Bồng tiếp tục, kiên trì triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chương trình của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách dân tộc, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa; tích cực tuyên truyền, vận động toàn thể bà con nhân dân nâng cao ý thức tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị địa phương. Vận động, động viên những cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp, sáp nhập không bảo đảm sức khỏe, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn nghỉ hưu trước tuổi và giải quyết chế độ chính sách tương ứng, bảo đảm quy định.

Thường xuyên nắm chắc diễn biến tâm tư, tình cảm của bà con nhân dân để đề xuất, báo cáo kịp thời. Chú trọng xây dựng, quản lý và phát huy tốt vai trò lực lượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo niềm tin, sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành các thủ tục thuộc trách nhiệm của địa phương để triển khai thực hiện dự án bố trí dân cư vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, giai đoạn 2021-2025 tại địa bàn xã Trà Phong nhằm bảo đảm ổn định đời sống của bà con.

Quảng Ngãi: Phát triển toàn diện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ảnh 3
Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi trao biểu trưng hỗ trợ xây dựng ở cho người có công ở huyện miền núi Trà Bồng.

“Phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ tỉnh, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong nhiệm kỳ này và cả những nhiệm kỳ tiếp theo”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh, đồng thời khẳng định Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

“Đồng bào các dân tộc thiểu số có những đóng góp vô cùng to lớn, góp phần cùng với đồng bào cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, tôi đề nghị bà con nhân dân huyện Trà Bồng tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp xây dựng quê hương Trà Bồng ngày càng phát triển", đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân chia sẻ.

Dịp này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã vận động các nguồn lực để tặng quà cho các đơn vị, người có công, người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các em học sinh ở huyện miền núi Trà Bồng, với tổng trị giá hơn 2,2 tỷ đồng.

Cụ thể, hỗ trợ xây dựng 12 nhà ở cho người có công và 14 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo đang khó khăn về nhà ở; hỗ trợ trang thiết bị y tế hồi sức nhi sơ sinh cho Trung tâm y tế huyện Trà Bồng; hỗ trợ 100 triệu đồng cho học sinh Trường tiểu học Trà Phong và Trường Trung học phổ thông Tây Trà (mỗi trường 50 triệu đồng); tặng 20 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.