Quảng Nam gắn nuôi biển với bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Quảng Nam có 125 km bờ biển với ngư trường 40.000 km2, có cụm đảo Cù Lao Chàm (thành phố Hội An) với tám hòn đảo lớn nhỏ diện tích 15 km2 và xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) với mũi Bàn Than gồm nhiều đảo nhỏ, chất lượng môi trường nước trong sạch. Ðây là lợi thế để địa phương phát triển nghề nuôi biển chất lượng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều mô hình nuôi thủy sản ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều mô hình nuôi thủy sản ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bước đầu, đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi: hàu, ốc hương, cá bớp, cá chim... mang lại thu nhập cho người dân khu vực ven biển. Vậy nhưng, các mô hình nuôi biển ở Quảng Nam thời gian qua vẫn còn tự phát, giá trị kinh tế chưa cao.

Nhiều mô hình hiệu quả

Trong khi nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, để duy trì cuộc sống và tăng thu nhập, nhiều hộ dân ở thành phố Hội An và huyện Núi Thành đã đầu tư nuôi hàu, cua biển và các loại cá: bớp, sặc, dìa, chẽm, măng... tiêu biểu như hộ ông Bùi Ngọc Hoành (thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải, huyện Núi Thành) với mô hình nuôi hàu, trung bình mỗi năm thu được hơn 4 tấn hàu, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 70 triệu đồng.

Ông Phạm Xuân Sang (khối Phước Thịnh, phường Cửa Ðại, thành phố Hội An) cho biết, gia đình ông nuôi các loại cá bớp, cá măng, cá sặc ở ven biển Cửa Ðại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian qua, nhờ các loại cá chất lượng tốt, chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và đầu ra ổn định, nên mỗi năm, gia đình ông Sang thu lãi khoảng 500 triệu đồng từ nuôi hải sản. Còn ông Nguyễn Ðức Linh (thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải) cho biết, từ năm 2023 đến nay, ông đầu tư 5 bè nuôi hàu treo dây ở vùng biển Cửa Lở, tổng sản lượng thu hoạch được 75 tấn, với giá bán hàu thương phẩm 30 nghìn đồng/kg, ông Linh thu về hơn 2 tỷ đồng; tính ra, lãi được gần 1 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, người dân nuôi biển theo kiểu truyền thống, tự phát; lồng bè nuôi thiếu kiên cố, không bảo đảm an toàn trong điều kiện sóng to, gió lớn và thường bị dịch bệnh gây thiệt hại. Nhiều mô hình nuôi hàu, cá bớp, cá hồng, cá chim, cá măng... ở khu vực ven biển Cửa Ðại (thành phố Hội An) và Cửa Lở (huyện Núi Thành) thu được hiệu quả kinh tế cao, nhưng thiếu bền vững. Do vậy, để nghề nuôi biển phát triển đúng hướng, nhất là gắn nuôi biển tự nhiên với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhiều hộ dân ở huyện Núi Thành đã sử dụng lồng HDPE để thả nuôi cá tại khu vực cửa biển, sông nước lợ vừa tăng thu nhập cho gia đình vừa góp phần giảm áp lực từ khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tạo sản phẩm thủy sản chất lượng

Tiềm năng phát triển nuôi biển ở Quảng Nam rất lớn, nhưng lâu nay chỉ mới nuôi thử nghiệm, chưa có sản phẩm chủ lực, hiệu quả mang lại chưa tương xứng. Hiện cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ; diện tích nuôi biển chồng chéo với các ngành khác. Do vậy, để phát triển bền vững, tỉnh đã ban hành Ðề án để phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tại Quảng Nam đến năm 2030. Theo đó, xác định khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, phù hợp với quy hoạch của tỉnh, điều kiện môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và mọi nguồn lực đầu tư phát triển nuôi biển.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, định hướng của Quảng Nam là phát triển nuôi biển phải gắn với đổi mới và tổ chức lại sản xuất theo định hướng thị trường, xây dựng chuỗi giá trị xuyên suốt cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng; phát triển công nghệ nuôi, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô công nghiệp, hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng cao; bảo vệ môi trường sinh thái; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế-xã hội và thu nhập của cộng đồng cư dân ven biển, góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo.

Quảng Nam phấn đấu, đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 520 ha, thể tích lồng nuôi 300.000 m3, sản lượng nuôi biển đạt 5.400 tấn; với tổng giá trị sản xuất đạt 887 tỷ đồng. Ðến năm 2030, diện tích nuôi biển của tỉnh đạt 540 ha, thể tích lồng nuôi 400.000 m3, sản lượng nuôi biển đạt 7.050 tấn và tổng giá trị sản xuất đạt 1.100 tỷ đồng.

Ðể đạt được mục tiêu đề ra, Quảng Nam sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản nuôi biển đồng bộ; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển; thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp hỗ trợ, chế biến sản phẩm áp dụng công nghệ tiên tiến; hỗ trợ cơ sở sản xuất giống phục vụ nuôi biển. Tỉnh sẽ hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản trên biển; thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi diện tích hoạt động của các ngành kinh tế khác sang phát triển nuôi biển. Mặt khác, tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động cùng lúc nhiều lĩnh vực trên biển như: nuôi biển, thu mua, chế biến, du lịch.

Cùng với đó, Quảng Nam sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển chế biến, tiêu thụ sản phẩm; lồng ghép hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nuôi biển vào chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Ðồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp nhận khoa học công nghệ tiên tiến; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và sản xuất phục vụ cho nuôi biển.