Quan tâm hơn những chính sách dài hạn cho thị trường lao động

Trong quý I năm nay, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vĩ mô thấp hơn so với kỳ vọng. Tuy nhiên, để duy trì sự ổn định của thị trường lao động, có lẽ, Nhà nước vẫn cần quan tâm hơn với những chính sách dài hạn.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: HCES)
Lao động tìm hiểu thông tin tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: HCES)

Tăng trưởng kinh tế vĩ mô quý I/2023 thấp hơn kỳ vọng

Năm 2023 khởi đầu cùng những bất ổn được dự báo từ cuối năm 2022 khi thế giới đối mặt với đa khủng hoảng tác động nhiều chiều. Cụ thể như: Lạm phát ở mức cao; nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nền kinh tế phục hồi chậm; giá năng lượng biến động mạnh; xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn trong tình trạng khó lường; sự sụp đổ của một số ngân hàng lớn trên thế giới… Những điều này đã làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế thế giới và về sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ thấp thứ hai trong giai đoạn 2011-2023, chỉ cao hơn quý I/2020 (3,21%) và chưa bằng một nửa của quý I/2018 (7,78%).

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ thấp thứ hai trong giai đoạn 2011-2023, chỉ cao hơn quý I/2020 (3,21%) và chưa bằng một nửa của quý I/2018 (7,78%).

Tăng trưởng kinh tế chậm lại thể hiện rõ nét tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là các địa phương có lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn như Bắc Ninh với tốc độ tăng trưởng giảm gần 12%, Bình Dương tăng trưởng chỉ hơn 1% và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ghi nhận ở mức 0,7%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng thể hiện rõ nhất những khó khăn của nền kinh tế khi ghi nhận mức giảm 0,4%, ngược với sự tăng trưởng của các quý trước. Đặc biệt, sự suy yếu đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đối với các mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu. Điều này đặt ra quan ngại cho sự hồi phục tại các quý tiếp theo trong năm, khi động lực tăng trưởng của nền kinh tế vẫn kém tích cực.

Thị trường lao động: Điểm sáng của quý I/2023

Quan tâm hơn những chính sách dài hạn cho thị trường lao động ảnh 1

Lao động làm thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Nhật Quang)

Trước bối cảnh kinh tế trong nước khó khăn, thị trường lao động được xem là một điểm sáng khi tốc độ hồi phục có sự tích cực so với cùng kỳ năm trước cũng như so với quý IV/2022.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước trong quý I/2023 ước tính khoảng 52,22 triệu người, tăng 100,20 nghìn người (tương ứng mức tăng 0,19%) so với quý trước và tăng 102,00 nghìn người (tương đương tăng 0,20%) so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cũng có sự ổn định so với quý trước, ở mức 68,90% và tăng nhẹ ở mức 0,80 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy xu thế tăng về quy mô ở phía cung lao động vẫn tiếp tục duy trì.

Trước bối cảnh kinh tế trong nước khó khăn, thị trường lao động được xem là một điểm sáng khi tốc độ hồi phục có sự tích cực so với cùng kỳ năm trước cũng như so với quý IV/2022.

Bên cạnh đó, đà hồi phục tiếp tục được thể hiện thông qua các chỉ tiêu về việc làm.

Cụ thể, lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I/2023 ước tính là 51,15 triệu người, tăng 100,20 nghìn người so với quý trước và tăng 102,20 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý là, sự gia tăng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có mức đóng góp thứ hai về số lao động có việc làm, với quy mô tăng 360,9 nghìn người so với quý trước và tăng 566,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; đưa tỷ trọng lao động trong khu vực này chiếm 33,9%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với quý I/2022. Trái ngược với tình hình sản xuất của khu vực này khi ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I/2023 là khoảng 885,5 nghìn người, giảm 12,4 nghìn người so với quý trước và 443,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Điều này phù hợp với xu hướng tăng quy mô lao động có việc làm đã đề cập ở trên, có thể đưa đến kỳ vọng thị trường lao động có kết quả tích cực hơn nữa trong quý tiếp theo.

Lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý I năm 2023 là 4 triệu người, giảm 0,2 triệu người so với quý trước và giảm 0,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn. Con số này cũng duy trì đà giảm qua các quý từ quý I/2010 đến nay. Điều này thể hiện xu hướng phát triển theo hướng bền vững của thị trường lao động.

Tình hình việc làm khả quan còn được khẳng định thông qua thu nhập của người lao động cũng tiếp tục xu thế tăng. Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương đạt 7,90 triệu đồng, tăng 2,6% so với quý trước và 7,9%, tương ứng 578 nghìn đồng, so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2023 ước tính là 2,04%, giảm 0,06 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2023 ước tính là 2,04%, giảm 0,06 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.

Các kết quả đạt được này có được một phần nhờ những quyết tâm và nỗ lực của các cấp chính quyền trong tập trung thực hiện các chính sách lao động việc làm. Thị trường lao động vẫn đang thể hiện sự tích cực nhất định, là điểm tựa đưa đến kỳ vọng về sự hồi phục tích cực hơn trong các quý sau.

Cần hỗ trợ kịp thời cho thị trường lao động

Với những điểm sáng trên đây, thị trường lao động vẫn còn tồn tại một vài điểm kém tích cực, cần tiếp tục quan sát và hỗ trợ kịp thời.

Thứ nhất, doanh nghiệp và người lao động dường như đang ưu tiên những hình thức thuê lao động ngắn hạn, ít ràng buộc để duy trì hoạt động cầm chừng trước tình hình thiếu hụt đơn hàng và trạng thái kinh tế u ám...

Điều này thể hiện qua hai điểm: Số lượng lao động trong khu vực công nghiệp tăng nhưng chủ yếu tăng trong phần lao động phi chính thức, đưa tỷ lệ lao động phi chính thức ở khu vực này tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước; số lượng lao động thiếu việc làm, đặc biệt lao động trong độ tuổi, của khu vực này cũng tăng lên, ngược với xu hướng giảm của hai khu vực còn lại.

Thứ hai, sự bất đối xứng giữa việc lao động có việc làm giảm không đáng kể ở các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng giảm mạnh như Bắc Ninh (-0,9%), Vũng Tàu (-2,6%), Thành phố Hồ Chí Minh (-0,4%) trong khi lại giảm mạnh ở các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng tốt như Bắc Giang (-4,5%), Nghệ An (-5,5%)…

Thực tế này cho thấy, sự mất cân đối cung-cầu cục bộ vẫn đang tiếp diễn, mặc dù đã có không ít các chính sách hỗ trợ cả phía người lao động lẫn doanh nghiệp trong việc thúc đẩy lao động dịch chuyển giữa các khu vực.

Thứ ba, trong tổng số 4 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu theo thống kê trong quý, có khoảng gần 2,2 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 54,2%).

Đáng nói là, hầu hết họ đều là lao động phổ thông, không có bằng cấp, chứng chỉ. Thực tế này sẽ là bài toán khó đòi hỏi Nhà nước cần có những chính sách kịp thời để hỗ trợ nhóm lao động này có thể tìm được công việc tốt hơn trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng khắt khe hơn về tay nghề, kỹ năng.

Ngoài ra, diễn biến kinh tế kém tích cực và những “bệnh nền” của thị trường lao động cũng cần quan tâm. Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Cotofan Maria, Cassar Lea, Dur Robert và Meier Stephan đăng trên tạp chí The Review of Economics and Statistics số 105 (2) trong tháng 3 năm 2023[1], điều kiện kinh tế vĩ mô có tác động không nhỏ tới xu hướng lựa chọn công việc của người lao động. Cụ thể, nếu khi trẻ tuổi, người lao động trải qua thời kỳ kinh tế suy thoái, họ sẽ có xu hướng lựa chọn công việc với tiêu chí ưu tiên là thu nhập, thay vì tìm kiếm một công việc có ý nghĩa đối với bản thân.

Theo khảo sát nhanh của tổ chức Hathathway Policy[2], người lao động trên thị trường lao động Việt Nam hiện nay cũng đang đánh giá tiêu chí thu nhập và phúc lợi là yếu tố quan trọng nhất cấu thành một việc làm tốt, động lực để họ gắn bó với công việc. Điều này phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam, vốn vẫn là nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp và thị trường lao động vẫn chưa thật sự hoàn thiện, các yếu tố ngoài thu nhập như an sinh xã hội, an toàn việc làm... còn khiêm tốn.

Như vậy, Nhà nước cần tiếp tục tích cực thực hiện các chính sách thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội song song với hoàn thiện lưới an sinh cho thị trường lao động. Có như vậy, người lao động mới thật sự lựa chọn công việc không chỉ vì mục tiêu thu nhập. Đó mới là động lực bền vững để người lao động tự do đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động. Điều này phần nào sẽ hỗ trợ thị trường lao động phát triển hài hòa và bền vững hơn.

Tóm lại, diễn biến thị trường lao động trong quý I/2023 vẫn tiếp nối xu hướng phục hồi tích cực. Tuy vậy, thị trường lao động Việt Nam vẫn cần có những quan sát sát sao và những chính sách kịp thời từ phía Nhà nước để phát triển theo hướng hiện đại và bền vững theo đúng tinh thần của Nghị quyết 06/NQ-CP của Chính phủ ngày 10/1/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội.

Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) hiện đang tập trung vào 4 nhóm chính sách. Trong đó, có 2 nhóm chính sách đáng quan tâm cho thị trường lao động.

Nhóm chính sách thứ nhất là quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập. Mục tiêu là hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước.

Nhóm chính sách thứ hai là hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động. Mục tiêu là mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.

------------------

[1] Macroeconomic conditions when young shape job preferences for life (tạm dịch: Điều kiện kinh tế vĩ mô khi người trẻ định hình khuynh hướng công việc suốt đời) của nhóm tác giả Cotofan Maria và cộng sự, được đăng trên tạp chí The Review of Economics and Statistics số 105 (2), tháng 3 năm 2023, trang 467-473.

[2] Báo cáo thị trường lao động: Quý I/2023. Hathaway Policy, tháng 4/2023.