Thiếu hụt nhà trẻ trong các khu công nghiệp

Trong khi số lượng khu công nghiệp, khu chế xuất gia tăng mạnh ở nhiều địa phương, thu hút số lượng lớn công nhân và dân nhập cư, thì số lượng các trường mầm non dành cho con em đối tượng này lại quá hiếm hoi. Một cơ chế ưu đãi nhằm thúc đẩy xã hội hóa các cơ sở trông trẻ tư thục đã kịp thời được ban hành, vậy mà sau hơn một năm, việc thực thi vẫn bế tắc.

Muốn giảm áp lực cho nhà trẻ, trường mầm non công lập, giải bài toán thiếu trường ở các khu công nghiệp, cần thiết phải thúc đẩy xã hội hóa đầu tư.         Ảnh: HƯƠNG TRÀ
Muốn giảm áp lực cho nhà trẻ, trường mầm non công lập, giải bài toán thiếu trường ở các khu công nghiệp, cần thiết phải thúc đẩy xã hội hóa đầu tư.         Ảnh: HƯƠNG TRÀ

Nhà trẻ tự phát bủa vây…

Hiện nay có gần hai triệu công nhân làm việc trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trong đó 60 đến 70% là lao động nữ. Với các lao động nhập cư, điều đau đầu nhất chính là tìm nơi để gửi con em mình, nhất là trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, mầm non. Trong khi số lượng trường mầm non công lập đã hiếm và chủ yếu đáp ứng nhu cầu cho người dân địa phương thì hệ thống trường mầm non ngoài công lập lại rất mỏng. Số liệu từ Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) cho biết, tính đến nay, cả nước có 1.736 trường mầm non ngoài công lập và hơn 16 nghìn nhóm trẻ mầm non tư thục. Ít vậy nhưng còn phân bổ lệch khi mà chỉ có hơn 110 trường ngoài công lập tại khu vực có các KCN, chiếm khoảng 7,5%.

Có an tâm con cái mới yên tâm công tác, đó là điều thực tế. Ấy thế nhưng, với nhiều KCN, KCX, việc giải quyết nhu cầu trông giữ trẻ cho công nhân vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Cả một thời gian dài, việc quy hoạch cho các khu vực này thường được tính toán một cách độc lập, không bao gồm những điều kiện đi kèm phục vụ đời sống người lao động, cho nên chính các KCN, KCX cũng thiếu quỹ đất triển khai trường. Thêm vào đó, việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo luôn đi kèm theo những điều kiện cần và đủ, mang yếu tố đặc thù, đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, thu hồi chậm… Cũng bởi vậy mà lĩnh vực đầu tư này ít được doanh nghiệp để tâm đến.

Có cầu ắt có cung, nhiều cá nhân đứng ra lập nên các cơ sở, nhóm nhận trông trẻ. Họ đánh vào tâm lý chị em công nhân vốn đang trong điều kiện eo hẹp về kinh tế và không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi đã tìm hiểu thực tế và nhận thấy, hầu hết nhóm trẻ được xây dựng tự phát, chủ cơ sở không có việc làm, quay ra giữ trẻ dù không hề có nghiệp vụ chuyên môn. Thậm chí, có nơi chủ còn cơi nới, sửa chữa nhà trọ để làm nơi trông giữ trẻ. Các công nhân vừa gửi con vừa run, nhưng cũng không còn sự lựa chọn nào khác.

Khảo sát từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), được biết, chỉ tính trong 50 tỉnh, thành, có tới 5.590 nhóm trẻ chưa được cấp phép, chiếm 56% nhóm trẻ tư thục. Vậy là nhóm trẻ từ 18 đến 36 tháng tuổi tại các KCN, KCX đáng lẽ cần phải được chăm sóc chu đáo thì lại đang bị các nhà quản lý “buông” bởi không đủ năng lực với tay tới!?

Vướng bởi nguồn lực và quỹ đất

Để tháo gỡ khó khăn cho tình trạng trên, ngày 20-3-2014 Chính phủ đã ban hành Quyết định 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN, KCX đến năm 2020” (Đề án 404). Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Mục tiêu đặt ra rất nhân văn, đến năm 2020, 80% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ tư thục thuộc Đề án sẽ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ; 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng; 500 nhóm trẻ độc lập tư thục được hỗ trợ kiện toàn, xây dựng và phát triển…

Song, khi thực thi quả thật là gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình xã hội (Hội LHPN Việt Nam), phải thốt lên, chúng tôi đã không lường trước được khó khăn lại nhiều đến thế! Theo khảo sát của Hội LHPN Việt Nam chỉ có 20% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non được gửi an toàn, còn 80% các em phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Vì nguồn lực có hạn nên Hội dự kiến mỗi tỉnh sẽ thực hiện triển khai thành công cho 5 nhóm/năm. Ấy thế nhưng 10 tỉnh được chọn thực hiện trong giai đoạn đầu cho đến thời điểm sắp hết năm 2015, mới chỉ xong phần thành lập ban chỉ đạo, khảo sát. Dự kiến sang năm 2016, các tỉnh này mới triển khai các công việc cụ thể.

Nhiều địa phương khi triển khai Đề án 404 còn gặp phải khó khăn về quỹ đất do sự thiếu thống nhất trong hệ thống văn bản liên quan đến đất đai trong KCN, KCX. Ngoài ra, nguồn giáo viên cũng rất khan hiếm.

Cần sự chung sức

Liên quan đến việc thực thi Đề án 404 bị chậm, có ý kiến cho rằng, Hội LHPN Việt Nam không đủ nguồn lực để bao quát một vấn đề mà lẽ ra phải giao cho Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm. Liệu đây có phải là lý do, mà Bộ GD-ĐT, đơn vị được giao phối hợp, phải mất đến hơn một năm mới ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 404!?

Rõ ràng, bài toán về trường mầm non, nhà trẻ tại các KCN, KCX là vô cùng cấp bách. Cho dù Hội LHPN Việt Nam từng thí điểm xây dựng, hỗ trợ một số nhóm trẻ tư thục trong năm năm qua, nhưng như vậy cũng chưa đủ nguồn lực và kinh nghiệm để triển khai hầu khắp các tỉnh, thành. Bộ chủ quản cũng không thể đơn lẻ thực thi được. TS Nguyễn Kim Dung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục cho rằng, “lúc này chưa thể đóng cửa các nhóm trẻ không phép vì nhu cầu gửi trẻ quá cao. Thay vào đó, nên hỗ trợ nhóm này nâng cao cơ sở vật chất, kỹ năng nuôi dạy trẻ...”. Muốn làm được điều đó, Bộ GD-ĐT cần sự cộng hưởng, chia sẻ từ các tổ chức như Hội LHPN Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chính quyền địa phương…

Ngày 22-5-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg, giao trách nhiệm cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo, phối hợp cùng các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Phát triển nhà trẻ, mẫu giáo, trong đó chú trọng phát triển trường lớp dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi ở KCN, KCX đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Dự kiến năm 2016 sẽ phê duyệt Đề án, như vậy, tiếp nối Đề án 404, Đề án mới sẽ giúp độ tuổi được chăm sóc có tính liền mạch hơn. Những kinh nghiệm trong thực thi Đề án 404 cần phải được rút ra để Bộ GD-ĐT cùng với các đơn vị liên quan, sẽ có phương án tốt hơn trong thực thi Chỉ thị 09.

Cơ chế chính sách cởi mở, thực thi vướng mắc trở thành thách thức không nhỏ. Để tháo gỡ cần đến sự chung sức của cả hệ thống, bởi xét đến cùng, giải quyết vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo trong KCN, KCX không chỉ là bảo đảm điều kiện sống cho người lao động, mà điều quan trọng hơn, là góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Đưa trẻ em ở KCN, KCX vào nhóm đối tượng thiệt thòi

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) chia sẻ: Vướng mắc nhất trong thực hiện Đề án 404 của Chính phủ về “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020”, chính là sự thiếu hụt về quỹ đất và kinh phí triển khai. Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc sửa đổi các quy định hiện hành về quy hoạch KCN, KCX để có được quỹ đất hợp lý cho các nhà trẻ, trường mầm non. Đồng thời, kiến nghị đưa các em thuộc khu vực này vào nhóm trẻ em thiệt thòi. Cuối tháng 12 này, Bộ GD-ĐT tổng kết Đề án phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2015 và triển khai giai đoạn 2016-2025. Chúng tôi sẽ tập trung vào nghiên cứu đổi mới cơ chế cho phát triển hệ thống giáo dục mầm non, trong đó có đối tượng các trường ở KCN, KCX.