Thưởng ngoạn mùa cây ăn quả tươi ở Ninh Thuận

NDO - Từ tháng 7 đến hết tháng 8 hằng năm, các vườn trồng chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) lại nhộn nhịp với không khí đón du khách đến tham quan và thích thú với cảm giác “tận tay hái quả, ăn ngay tại chỗ", cảm nhận sự khác biệt về hương vị riêng của những loài cây ăn quả tươi có nguồn gốc giống từ các tỉnh miền Tây được trồng trên vùng đất nắng, gió nơi đây.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan "vườn cây ăn quả của các tỉnh miền Tây được thu nhỏ tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)
Du khách tham quan "vườn cây ăn quả của các tỉnh miền Tây được thu nhỏ tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Nắng hạn kéo dài, cho nên sản lượng có thể giảm so năm trước, nhưng bù lại, chất lượng quả thơm, ngon tròn vị với đặc trưng riêng, rất thú vị.

Tạo môi trường sinh thái

Người dân xã Lâm Sơn ví tháng 7 và tháng 8 hằng năm là “mùa lễ hội trái cây” tại địa phương, cho nên nhiều năm qua, chính quyền và người dân nơi đây không ngừng đầu tư sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông liên thôn, đường giao thông dẫn đến các vườn cây ăn quả, để tạo đường thông, hè thoáng cho các loại xe ô-tô thuận lợi chở du khách đến tận các nhà vườn.

Các chủ vườn cũng đầu tư lắp đặt các tiện ích thiết yếu khác trong vườn, như: truy cập wifi miễn phí, phòng nghỉ… để khi dừng chân, du khách luôn có được cảm giác thân thiện với cảnh quan sinh thái độc đáo, thỏa thích thưởng thức nhiều loài cây cho quả chín thơm, ngọt.

Theo chị Lê Thị Lũy, một chủ nhà vườn, hiện nay, nhiều nông dân đã biết sử dụng công nghệ thông tin, cho nên khoảng tháng 5 hằng năm, các nhà vườn đã tự thiết kế hình ảnh sản phẩm để quảng bá trên facebook, zalo với nhiều du khách đã từng đến tham quan trước đó.

Qua đó, hai bên cùng tương tác để cùng thống nhất việc tiếp đón, sắp xếp thời gian tham quan hợp lý cho từng đoàn du khách, cho nên không còn rơi vào tình trạng “quá tải” mỗi khi du khách tập kết nhiều đoàn cùng một lúc tại các nhà vườn như những năm trước. Các nhà vườn có điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ.

Du khách càng phấn khởi hơn khi vừa tận hưởng hương vị của nhiều loại quả chín và nghe giới thiệu về quy trình trồng, kinh nghiệm chăm sóc để các loài cây ăn quả thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng và sinh trưởng tốt trên vùng đất nắng, nóng; cùng chia sẻ niềm vui và cảm nhận sự nỗ lực vươn lên của nông dân vùng nông thôn miền núi Ninh Thuận.

Thưởng ngoạn mùa cây ăn quả tươi ở Ninh Thuận ảnh 1

Anh Nguyễn Ngọc Thanh, chủ vườn trái cây Xuân Hùng ở xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận giới thiệu các chùm quả chôm chôm chín đỏ tại vườn trồng chuẩn bị phục vụ du khách. Ảnh: NGUYỄN TRUNG

Anh Nguyễn Ngọc Thanh, chủ vườn trái cây Xuân Hùng ở xã Lâm Sơn trồng 2ha các loại cây, như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, chia sẻ: “Mới đầu mùa, nhưng vườn trồng của tôi đã đón từ 200-300 lượt du khách/ngày. Vào những ngày cuối tuần, tăng từ 400-500 lượt du khách/ngày, nông dân tăng thu nhập đáng kể. Tuân thủ chỉ đạo của xã, các nhà vườn đều thống nhất giá vé tham quan cùng giá bán các loại quả chín, nên du khách rất vui”.

Du khách Mai Thị Liên ở Đồng Nai chia sẻ: “Giá vé tham quan, trải nghiệm tại vườn là 40.000 đồng/người lớn; 20.000 đồng/trẻ em là phù hợp. Du khách được tận tay hái, thưởng thức miễn phí những chùm chôm chôm chín đỏ, có hương thơm, vị ngọt thanh khác hẳn nhiều nơi khác. Tôi rất ấn tượng với không khí trong lành, xanh mát cùng với hình ảnh “vườn cây ăn quả của các tỉnh miền Tây được thu nhỏ” ở đây.

Thưởng ngoạn mùa cây ăn quả tươi ở Ninh Thuận ảnh 2

Du khách được tận tay hái, thưởng thức miễn phí những chùm chôm chôm chín đỏ, có hương thơm, vị ngọt thanh khác hẳn nhiều nơi khác. Ảnh: NGUYỄN TRUNG

Cùng việc phục vụ du khách “hái quả tận cây, ăn tận chỗ” các nhà vườn còn giảm giá sầu riêng từ 40.000-90.000 đồng/kg; măng cụt từ 50.000-70.000 đồng/kg… và hỗ trợ cách bảo quản cho quả chín giữ được độ tươi, ngon tự nhiên từ 5-7 ngày khi du khách mua để đem về nhà sau chuyến lữ hành, càng tạo thêm uy tín về sản xuất nông nghiệp sạch của địa phương, được du khách đánh giá cao chất lượng sản phẩm.

Du khách còn có dịp thưởng thức những món ăn đặc sản của miền sơn cước, như: gà thả vườn trộn gỏi măng cụt; gỏi gà trộn quả chôm chôm;… ngay dưới những tán cây trĩu quả rất thơ mộng.

Hướng mở cho phát triển du lịch vườn

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lâm Sơn Thái Quang Mận cho biết: “Toàn xã có khoảng 500ha trồng chôm chôm, sầu riêng, bơ, bưởi, mít, măng cụt…Hiện, có hơn 30 hộ đang hoạt động theo hướng du lịch trải nghiệm để phục vụ du khách đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Vùng trồng cây ăn quả của xã được công nhận và có chỉ dẫn địa lý, nên hằng năm, lượng du khách đến tham quan ngày càng nhiều”.

Trước đây, khi thu hoạch, hầu hết các chủ vườn đều phụ thuộc vào thương lái về giá sản phẩm, nay, nhiều chủ vườn đã có hướng đi mới để nâng cao giá trị sản xuất bằng cách kết hợp vườn trồng cùng với đầu tư phát triển du lịch sinh thái, vừa đem lại thu nhập cao, tạo nên luồng sinh khí mới cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nên sản phẩm chủ yếu để phục vụ du khách ngay tại vườn.

Để phát triển bền vững, xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tập trung cải tạo đất vườn; đồng thời, tìm kiếm các nguồn giống cây mới để đa dạng hóa các loại cây ăn quả, tạo cảnh quan mới và giữ môi trường luôn xanh, sạch, đẹp để nâng tầm du lịch sinh thái ở địa phương lên mức độ cao hơn, vì vùng trồng cây ăn quả xã Lâm Sơn nằm dưới chân đèo Ngoạn Mục, cách thành phố Phan Rang-Tháp Chàm khoảng 45km; cách trung tâm huyện Ninh Sơn khoảng 10km về phía tây.

Trục đường này là khu vực giao thoa và tuyến giao thông chính giữa tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, nên có điều kiện khí hậu mát, thổ nhưỡng tốt; có hệ thống thủy lợi với nguồn nước dồi dào quanh năm, rất thuận lợi để nhân rộng vùng trồng, sản xuất các sản phẩm đặc trưng, đặc thù tại vùng đất có vị trí địa lý khác biệt, nằm trên độ cao gần 1.000m so mực nước biển, lâu nay được ví là “tiểu vùng khí hậu ôn đới” trên vùng đất nắng Ninh Thuận.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết: “Với lợi thế khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng tại vùng đất xã Lâm Sơn, tỉnh đã có chủ trương hình thành vùng trồng cây ăn quả đặc thù, hướng tới là xã có nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh.

Địa phương đã có chủ trương khuyến khích các chủ nhà vườn đầu tư phát triển du lịch sinh thái để nâng cao giá trị kinh tế sản xuất trên cùng diện tích đất; đồng thời, tạo nền cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng sản xuất cũng như phát triển du lịch không chỉ gắn kết với vùng trồng cây ăn quả mà còn gắn kết nhiều vùng sản xuất những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao khác, như: dưa lê, hoa lan, các loại thảo dược quý hiếm của địa phương.