Xây dựng văn hóa người Hà Nội từ mỗi gia đình

Nền nếp ứng xử của mỗi cá nhân luôn được xây dựng từ mỗi gia đình – môi trường mà mỗi người hằng ngày tiếp xúc. Bởi vậy, thành phố Hà Nội luôn chú trọng gìn giữ những nét đẹp truyền thống cùng với tiếp thu những giá trị văn hóa mới phù hợp. Với chủ trương “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, thành phố coi trọng việc tôn vinh những gia đình văn hóa tiêu biểu, để lan tỏa những điều tích cực đến cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Các gia đình đua tài trong Liên hoan “Gia đình văn hóa tiêu biểu” của thành phố Hà Nội.
Các gia đình đua tài trong Liên hoan “Gia đình văn hóa tiêu biểu” của thành phố Hà Nội.

Xây dựng văn hóa, con người Hà Nội luôn là một trong những nội dung quan trọng nhất của Chương trình 06 của Thành ủy về Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nhiệm kỳ 2020-2025.

Thành phố Hà Nội triển khai đồng bộ nhiều biện pháp từ giáo dục, xây dựng các mô hình văn hóa, thực hiện các Quy tắc ứng xử… Trong đó, xây dựng văn hóa gia đình là nền tảng căn bản của xây dựng văn hóa, con người Thủ đô, nhất là mô hình Gia đình văn hóa.

Trong các nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa năm 2024, thành phố phấn đấu duy trì tỷ lệ 88% số hộ gia đình trên toàn thành phố đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Nhiệm vụ này được 100% các quận, huyện, thị xã triển khai thành những chương trình, kế hoạch cụ thể.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết: “Chúng ta cần phải coi công tác xây dựng, duy trì, phát huy các hệ giá trị tốt đẹp của gia đình và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ giá trị gia đình và việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, từ đó nâng cao ý thức tự giác thực hiện; coi trọng công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay, điển hình tiên tiến làm tốt công tác xây dựng hệ giá trị gia đình và thực hiện hai Quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố”.

Thực tế triển khai cho thấy trên địa bàn xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều hoạt động sáng tạo trong xây dựng văn hóa người Hà Nội từ mỗi gia đình. Hầu hết các địa phương đều chú trọng các giải pháp gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, song song với chắt lọc những nét văn hóa thời hiện đại, thời công nghệ; chú trọng xây dựng tình cảm gia đình, nêu cao nét đẹp “kính già, yêu trẻ”.

Với chủ trương xây song hành với chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, thành phố thường xuyên tổ chức tuyên dương những gia đình vừa gìn giữ nét đẹp văn hóa gia đình, vừa có những đóng góp tích cực cho xã hội trên các lĩnh vực như: Giáo dục, khoa học-công nghệ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện công tác từ thiện-nhân đạo…

Khắp các quận, huyện, thị xã thường xuyên có các cuộc gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng Gia đình văn hóa, giữ gìn văn hóa gia đình…

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tuyên dương 90 hộ gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu cấp thành phố. Dự kiến, chương trình sẽ tổ chức vào ngày 25/10.

Đây là hoạt động nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vai trò, tầm quan trọng của gia đình; qua đó, góp phần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng dân cư, gia đình và từng cá nhân tham gia xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; gắn với thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, đáp ứng nguồn nhân lực phát triển Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Để lựa chọn những gia đình tiêu biểu, xứng đáng, từ trước đó, các quận, huyện, thị xã đã đẩy mạnh tuyên truyền phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; lựa chọn, đề xuất những gia đình tiêu biểu đáp ứng tiêu chí: các thành viên trong gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của chính quyền địa phương; tích cực tham gia phong trào thi đua tại địa phương, thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, ứng xử nơi công cộng; có 3 năm liên tục (2021, 2022, 2023) được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa hoặc đã được Ủy ban nhân dân cấp xã tặng Giấy khen Gia đình văn hóa…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết: “Việc tuyên dương Gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu nhằm xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long-Hà Nội. Đồng thời khẳng định xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách và giáo dục nếp sống cho con người, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, học tập, thực hiện tiêu chí ứng xử. Việc này cũng tạo cơ hội cho các gia đình được giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững, ứng xử giữa các thành viên từ đó chung tay xây dựng cộng đồng ổn định, dân chủ, đoàn kết, đẩy lùi tệ nạn xã hội”.