Phát huy nguồn lực văn hóa xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Hà Nội là thành phố có bề dày văn hóa nghìn năm. Thành phố mong muốn nhận được những góp ý từ các nhà khoa học, các chuyên gia để phát huy nguồn lực văn hóa xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
0:00 / 0:00
0:00
Phát huy nguồn lực văn hóa xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Chiều 17/3, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức họp báo công bố các nội dung chính của hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Hội thảo do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì; Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, diễn ra vào ngày 21/3, nhằm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung chính, gồm: Xác định rõ nội hàm, đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội; làm rõ các luận cứ khoa học và thực tiễn trong huy động, sử dụng, phát huy nguồn lực giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đồng thời, định hình về triết lý phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong quá trình phát triển Thủ đô Hà Nội.
Hội thảo không chỉ thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, mà còn có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và một số chuyên gia quốc tế có nhiều nghiên cứu về văn hóa Việt Nam như: Giáo sư, Tiến sĩ Philippe Papin, chuyên gia Việt Nam học tại Trường Cao học Thực hành Paris; Giáo sư Momoki Shiro, giáo viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Việt - Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong khuôn khổ hội thảo còn có một số không gian trưng bày, gồm: Sản phẩm nghề truyền thống đặc trưng của Hà Nội là gỗ mỹ nghệ, khảm trai, gốm Bát Tràng, tranh Hàng Trống…; không gian trưng bày các ấn phẩm văn hóa của Thủ đô Hà Nội; không gian trưng bày các mũi tên đồng khai quật từ Thành Cổ Loa của Bảo tàng Lịch sử; trình bày và trình diễn bộ sản phẩm mô phỏng Nỏ thần của Vua An Dương Vương…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, ban tổ chức hội thảo mong muốn từ chương trình trao đổi, thảo luận, Hà Nội sẽ nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc hơn, góp phần nhận diện, làm rõ thêm nội hàm của văn hiến - văn minh - hiện đại; cũng như các ý tưởng gợi mở để xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai. Kết quả của Hội thảo sẽ là một trong những căn cứ khoa học để các cấp, các ngành của thành phố cụ thể hóa chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình số 06/Ctr-TU của Thành ủy Hà Nội về “phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giai đoạn 2021-2025”.