Khắc phục mọi khó khăn thách thức, phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"

Sáng 17/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và trao đổi, xử lý kiến nghị của thành phố nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vị trí là “trái tim của cả nước”.
0:00 / 0:00
0:00
Buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Cùng dự có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu ý kiến đóng góp nhiều giải pháp để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để thành phố Hà Nội phát triển đột phá, nhanh và bền vững.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng đồng chí Bùi Thị Minh Hoài được Bộ Chính trị thống nhất rất cao phân công, điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025; nhấn mạnh đây là trọng trách rất lớn, vinh quang nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức; tin tưởng đồng chí sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của Đảng bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.

Khắc phục mọi khó khăn thách thức, phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" ảnh 1
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Thủ tướng nhấn mạnh, Hà Nội cần đoàn kết thống nhất, “Trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt, nhất hô bá ứng” như tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo; huy động được sức mạnh của nhân dân; đổi mới tư duy, đổi mới phương thức cách làm, luôn sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; nỗ lực tăng trưởng kinh tế, xây dựng thể chế kinh tế thị trường; huy động các nguồn lực cho phát triển, thu hút FDI được đẩy mạnh; đầu tư công khắc phục được dàn trải, làm mới các động lực tăng trưởng cũ như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, cùng với đó đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Nội;

Hà Nội tiếp tục là lá cờ đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục, y tế…; an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi được nâng cao; quốc phòng an ninh được giữ vững, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chương trình nông thôn mới, công tác xóa đói giảm nghèo được làm tốt.

Khắc phục mọi khó khăn thách thức, phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các đồng chí Lãnh đạo, cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân Thủ đô và những thành tựu quan trọng đã đạt được, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.

Lưu ý Hà Nội không được lơ là, chủ quan, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, GRDP 6 tháng đầu năm của Hà Nội thấp hơn mức tăng chung của cả nước; tiềm năng huy động nguồn lực xã hội lớn nhưng cơ chế, chính sách, cách làm chưa tương xứng; ô nhiễm môi trường (không khí, nước…), ùn tắc giao thông còn phức tạp; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung mới đạt 90%, còn 124 xã chưa được cung cấp nước sạch; đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải, chất thải còn chậm; một số dự án hạ tầng trọng điểm chậm tiến độ; kỷ cương hành chính có chuyển biến nhưng chậm và chưa đạt yêu cầu. Tỷ trọng kinh tế số còn thấp, chuyển đổi số còn chậm; xếp hạng Chỉ số PCI năm 2023 giảm 8 bậc so năm 2022; công tác phối hợp có lúc thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả.

Khắc phục mọi khó khăn thách thức, phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" ảnh 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc làm việc.

Đề cập tình hình sắp tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, tình hình biến động nhanh, khó lường, các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược chưa được giải quyết như cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số, biến đổi khí hậu cực đoan… Trong bối cảnh đó, Hà Nội phải có quan điểm, nhận thức thực sự sát tình hình, có nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả hơn.

Theo đó, về quan điểm, Thủ tướng nêu rõ, phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Khắc phục mọi khó khăn thách thức, phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" ảnh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (Ảnh: Trần Hải).

Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Thủ đô Hà Nội". Bác Hồ từng căn dặn: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khoẻ cả về vật chất và tinh thần”. Thủ tướng mong Chính phủ cùng Hà Nội thực hiện tốt điều căn dặn của Bác Hồ.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội rà soát lại các mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ các cấp thành phố Hà Nội, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, 10 năm, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây, từ đó xác định những gì đã làm được rồi thì phấn đấu tốt hơn, những gì chưa làm được phải phấn đấu nhiều hơn, những gì khó thực hiện thì phải có giải pháp đột phá.

Trên cơ sở đó, những mục tiêu chưa đạt, mục tiêu cần phải đột phá thì cần phải thể hiện với quyết tâm cao, sự đoàn kết thống nhất, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công thực hiện “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, hành chính, ý thức của cán bộ, công chức để huy động mọi nguồn lực cho phát triển Thủ đô nhanh và bền vững; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, văn hoá Thủ đô mang tầm Thủ đô văn minh, văn hiến, anh hùng, luôn tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng.

Khắc phục mọi khó khăn thách thức, phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" ảnh 5

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc.

Thủ tướng lưu ý các nhiệm vụ: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực tăng trưởng, nỗ lực hoàn thành giải ngân 100%, cấp ủy phải vào cuộc chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, huy động cả hệ thống chính trị; quan tâm chỉ đạo hoàn thành Dự án Đường Vành đai 4, các công trình trọng điểm. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm.

Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Thủ đô thông minh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính, đặc biệt coi trọng chỉ số hài lòng của người dân; giải quyết vấn đề về hạ tầng đô thị từng bước, kiên trì, tích cực liên quan giao thông, y tế, giáo dục, xã hội, môi trường.

Về y tế, Thủ tướng lưu ý Hà Nội không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu bác sĩ; bảo đảm cơ sở vật chất, giáo viên cho năm học mới, không để tăng giá trong lĩnh vực giáo dục; làm tốt công tác tăng lương. Phải đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân, nhất là tiêu thịt lợn, không để đội giá; bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu tiêu thụ năng lượng, xăng dầu; rà soát các nhiệm vụ văn hóa, thể thao, tập trung nâng tầm văn hoá Thủ đô ngang tầm Thủ đô văn hiến nghìn năm, biến di sản thành tài sản; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí, tổ chức tốt kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tạo động lực, truyền cảm hứng cho người dân;

Khắc phục mọi khó khăn thách thức, phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" ảnh 6
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến kết luận cuộc làm việc.

Làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân; làm cho du khách đến Hà Nội cảm thấy yên tâm, cảm thấy rõ Hà Nội thực sự là Thủ đô của lương tri, hoà bình; đẩy mạnh kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế.

Về các đề xuất của thành phố Hà Nội, Thủ tướng cơ bản đồng tình, đề nghị Hà Nội đáp ứng các yêu cầu của các bộ, ngành, cần cụ thể hoá Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới, cơ chế, chính sách; đề nghị Văn phòng Chính phủ tập hợp, báo cáo các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các lĩnh vực, phân công cho các bộ, ngành phụ trách với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”.

* Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, Thủ đô Hà Nội đã nỗ lực vượt qua thách thức, đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong 7 tháng năm 2024. Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, Thành phố đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, trong đó có 3 nội dung quan trọng: Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến, hiện nay đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được bảo đảm, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều tăng so với cùng kỳ năm 2023: GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,04% - cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt gần 324 nghìn tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán; tổng chi ngân sách gần 53 nghìn tỷ đồng, đạt 36% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển hơn 23 nghìn tỷ đồng, đạt 28,7% dự toán. Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công đến hết tháng 7/2024 đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch, cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 (18,1 nghìn tỷ đồng), đứng thứ 2 về khối lượng so với các bộ, ngành và địa phương; điều đó thể hiện quyết tâm, nỗ lực lớn của Thành phố.

Sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu ngành kinh tế là điểm sáng nổi bật; hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2%; thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển (Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 475 nghìn tỷ đồng, tăng 10%; khách du lịch đạt khoảng 3,5 triệu lượt, tăng 33,2%); thu hút FDI đạt hơn 1,37 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 3,13 tỷ USD; sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường đầu tư của Hà Nội là minh chứng cho những cải cách mạnh mẽ trong công tác quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy đầu tư của Thành phố. Hà Nội không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của khu vực và cả nước.

Khắc phục mọi khó khăn thách thức, phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" ảnh 7

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tại buổi làm việc.

Xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng tích cực: kim ngạch xuất khẩu đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,8%; Kim ngạch nhập khẩu đạt 23,1 tỷ USD, tăng 14,7%; thực hiện Quyết định của Thủ tướng chính phủ, Thành phố đã tiếp nhận bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc (với 111 dự án đầu tư, bao gồm 96 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký khoảng 116 nghìn tỷ đồng). Triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số được đẩy mạnh; một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp đang được triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng thành phố thông minh, hiện đại như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi); triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư (Hồ sơ sức khỏe điện tử, Cấp lý lịch tư pháp…); Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động…

Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Chủ động triển khai thực hiện Đề án:“Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trong đó Hà Nội được giao chỉ tiêu 56.200 căn giai đoạn 2021-2030. Giai đoạn 2021-2025, Thành phố dự kiến hoàn thành khoảng 1,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng gần 16 nghìn căn. Dự kiến giai đoạn 2026-2030, có 50 dự án được triển khai với khoảng 3,2 triệu m2 sàn, khoảng hơn 57 nghìn căn.