Giải bài toán sắp xếp đơn vị hành chính

Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 (ngày 12/7/2023) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gồm hai giai đoạn: 2023-2025 và 2025-2030. Đến nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng đã hoàn thành việc xây dựng các phương án, kế hoạch sắp xếp để trình các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc giải quyết, xử lý nhiều vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực, cơ sở vật chất… vẫn là những bài toán lớn đối với thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân làm thủ tục hành chính tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân.
Người dân làm thủ tục hành chính tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân.

Bài 1: Nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh

Quá trình thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 19/12/2020 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 đối với một đô thị đặc biệt như Thành phố Hồ Chí Minh, thực tế đặt ra nhiều vấn đề khó khăn khác nhau, không thể giải quyết một sớm một chiều.

Dôi dư cán bộ, trụ sở làm việc

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri và trình Hội đồng nhân dân thành phố về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Theo phương án sắp xếp tổng thể được đưa ra, từ nay đến năm 2030, thành phố có 80 phường thuộc 10 quận: 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận phải sắp xếp. Sau sắp xếp 80 phường này, thành phố sẽ hình thành 38 phường mới. Trong đó, đa số nhập từ hai phường thành một phường mới, có bảy trường hợp nhập ba phường hoặc một phần phường cũ hình thành phường mới. Có chín phường điều chỉnh ranh giới.

Với phương án này, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ còn 210 phường so với 249 phường như hiện nay. Cách đây hơn ba năm, quá trình triển khai Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập thành phố Thủ Đức và sáp nhập 19 phường thành chín phường mới thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận.

Sau khi thực hiện xong, các địa phương dôi dư đến 75 trụ sở công. Trong nỗ lực bố trí phương án sử dụng, khai thác nhưng vẫn còn nhiều trụ sở bỏ trống gây nên tình trạng lãng phí. Anh Bùi Đình Tài, ngụ phường Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức cho biết: Sau khi thành lập thành phố Thủ Đức từ ba quận (Quận 2, 9 và quận Thủ Đức), tôi thấy nhiều trụ sở nằm ở các vị trí mặt tiền chưa được bố trí tiếp tục sử dụng, rất lãng phí.

Sắp tới, khi thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 xác định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gồm hai giai đoạn: 2023-2025 và 2025-2030, một lượng lớn các trụ sở phường sẽ tiếp tục dôi dư và cần có phương án sử dụng hiệu quả. Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc xử lý tài sản, trụ sở dư thừa sau sắp xếp là một vấn đề khó khăn.

Đối với câu chuyện về sắp xếp nguồn nhân lực, sau khi thực hiện Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14, Thành ủy Thủ Đức có năm cơ quan tham mưu, tương ứng với năm cấp trưởng nhưng có đến 37 cấp phó, trong đó 18 cấp phó có chức vụ thấp hơn chức vụ cũ trước khi sáp nhập. Tình trạng thừa cấp phó sau sáp nhập hiện vẫn đang tồn tại ở địa phương này. Thời gian tới, địa phương này vẫn tiếp tục nghiên cứu các phương án phù hợp sắp xếp một số cấp phó. Vấn đề sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức tại các đơn vị hành chính mới đối với Thành phố Hồ Chí Minh luôn gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính khiến số lượng cán bộ, công chức tăng cơ học khi sáp nhập; song song đó, thành phố lại phải giảm số lượng theo Nghị định số 34/2019 của Chính phủ càng làm tăng áp lực lên hoạt động của bộ máy và cán bộ, công chức. Đối với lực lượng cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản thì việc sắp xếp nhân sự ở các vị trí chủ chốt càng thêm khó khăn. Theo thống kê, trong đợt sắp xếp lần này sẽ có khoảng một nghìn cán bộ, công chức dôi dư.

Lời giải cho những bài toán lớn

Từ sau Ngày Giải phóng miền nam (năm 1975), Thành phố Hồ Chí Minh đã có thêm nhiều lần tách lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó, riêng ba quận (2, 9 và Thủ Đức), từ năm 1997 đến nay đã hai lần tách và nhập để thành lập thành phố Thủ Đức. Việc sắp xếp đơn vị hành chính tác động trực tiếp đến người dân, nhất là thay đổi giấy tờ. Hiện chưa có danh sách cụ thể các phường thuộc diện sáp nhập cho nên chưa có thống kê tổng số dân bị ảnh hưởng, nhưng chỉ tính riêng sáu quận thuộc diện sắp xếp đã có hơn 1,1 triệu người.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Thắm, từ thực tiễn thực hiện nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong các năm trước đây, việc triển khai thực hiện công tác này hiện thành phố có một số khó khăn, hạn chế như: đặc thù của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là có diện tích tự nhiên nhỏ nhưng quy mô dân số rất lớn, vượt rất nhiều so với quy định, có xu hướng tăng qua từng năm. Bên cạnh đó, sau sắp xếp, diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các đơn vị hành chính sẽ rất lớn, khối lượng công việc rất nhiều nhưng chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức tăng chậm đã gây áp lực rất lớn đến công tác quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương. Tại các đơn vị hành chính lớn sau sáp nhập, số lượng hộ dân và quy mô dân số rất lớn nhưng cách thức vận hành cũ dẫn đến nhiều mục tiêu chưa đạt như kỳ vọng.

Việc sắp xếp số lượng lớn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian rất ngắn, đặc biệt trong giai đoạn 2023-2025, là giai đoạn Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, cũng như thực hiện nhiều chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa những cơ chế, chính sách đặc thù vào thực tiễn, ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Việc thực hiện sắp xếp cũng phần nào tác động đến tâm lý của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư, phải nghỉ việc hoặc điều chuyển đến các đơn vị khác. Việc xử lý những trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp để không lãng phí cũng gặp khó khăn, đặc biệt đối với đô thị đặc biệt như Thành phố Hồ Chí Minh. Một số trụ sở, tài sản công có thể thực hiện đấu giá nhưng gặp khó khăn trong việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư do phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng và bảo đảm phù hợp với quy hoạch.

(Còn nữa)