Theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định xếp hạng di tích kiến trúc- nghệ thuật cấp thành phố đối với 5 di tích: Chợ Bến Thành, Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trụ sở Ủy ban nhân dân Quận 1, trụ sở Cục hải quan, Mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty, Thừa vụ lang họ Trần.
Tính đến thời điểm này, thành phố có 193 di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích cấp quốc gia, 133 di tích cấp thành phố. Trong giai đoạn 2020-2024, có 16 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích, trong đó Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố và Đình thần Linh Đông là di tích cấp quốc gia. Ngoài ra, thành phố có hơn 130 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử-văn hóa, tăng 30 công trình so với trước giai đoạn trước đó.
Trao bằng xếp hạng di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp thành phố cho Trụ sở Ủy ban nhân dân Quận 1. |
Phát biểu tại lễ công bố, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thế Thuận cho biết, những năm qua, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao đã có nhiều giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cùng với Hội Di sản văn hóa thành phố thực hiện việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc và đã đạt được một số kết quả tiêu biểu.
Sở Văn hóa và Thể thao đã kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025; Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025.
Mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty, Thừa vụ lang họ Trần (Quận 3) được xếp hạng di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp thành phố. |
Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích thành phố tăng cường công tác kiểm kê, lập danh mục kiểm kê đối với các công trình, địa điểm có giá trị lịch sử-văn hóa.
Đối với việc đầu tư, tu bổ tôn tạo các di tích, trong giai đoạn từ năm 2020-2022, nguồn vốn đầu tư tu bổ bằng nguồn ngân sách nhà nước khoảng 90 tỷ đồng; giai đoạn năm 2023-2024 là khoảng 580 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ đầu tư tu bổ bằng nguồn ngân sách nhà nước năm 2023-2024 so với năm 2020-2022 tăng hơn 600%.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, sau lễ công bố, các đơn vị có các công trình, địa điểm vừa được xếp hạng di tích cần nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch nhằm quảng bá, giới thiệu rộng rãi để công chúng đến tham quan nhiều hơn.