Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

NDO - Ngày 4/5, tại Trường đại học Phenikaa diễn ra hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” do Tập đoàn Phenikaa, Trường đại học Phenikaa phối hợp Tập đoàn Synopsys và Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và phát biểu ý kiến.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học thảo luận tại hội thảo Ảnh: Lệ Cẩm.
Các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học thảo luận tại hội thảo Ảnh: Lệ Cẩm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Phenikaa Hồ Xuân Năng cho biết, Việt Nam có các điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn bởi hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, sự quan tâm và quyết liệt của Chính phủ trong việc ban hành các chính sách và hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó lĩnh vực vi mạch bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực.

Từ phía các doanh nghiệp và các trường đại học nhận thức rằng, do tính chất đặc thù, việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung, nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nói riêng, không thể đạt được hiệu quả cao nếu thực hiện một cách độc lập, đơn lẻ.

Vì vậy, việc tạo dựng mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ giữa “ba nhà” là: Các cơ quan nhà nước-các viện, trường đại học, các doanh nghiệp là nhu cầu thiết yếu để thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn bảo đảm khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội cả về lượng và chất.

Tại hội thảo, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận, trao đổi về thị trường; chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn của các công ty và trường đại học; việc chia sẻ các phương tiện và phòng lab dùng chung cho đào tạo và thiết kế chip bán dẫn; tính khả thi của việc đào tạo 50 nghìn kỹ sư bán dẫn Việt Nam đến năm 2030.

Đặc biệt, các đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế cũng thảo luận về cách làm thế nào để có thể hình thành một tháp nhân lực bán dẫn từ nguồn nhân lực đầy tiềm năng của Việt Nam.

Ngoài ra, phiên tọa đàm tại hội thảo được các đại biểu tham dự trao đổi trực tiếp với các diễn giả và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải đáp những thắc mắc, hướng đến sự phát triển nguồn nhân lực bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và thế giới.

Hội thảo cũng diễn ra hoạt động trao biên bản hợp tác giữa các đơn vị, doanh nghiệp, trường đại học; hợp tác giữa Trung tâm Phenikaa đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn (Trường đại học Phenikaa) và các tập đoàn, doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động, đầu tư với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam và quốc tế; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu.

Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Lệ Cẩm.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao các đơn vị tổ chức hội thảo lựa chọn chủ đề hết sức thời sự về nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là dịp để Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các địa phương, trường, viện doanh nghiệp cùng lắng nghe ý kiến của nhau về phát triển nguồn nhân lực.

Theo Phó Thủ tướng, ngành công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng. Trong giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lại, việc phát triển đất nước dựa vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn. Đối với các nước đang phát triển như nước ta cần phải có bước đi và cách nhìn nhận thấu đáo để tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn; trong đó đặt ra vấn đề đào tạo nhận lực cho lĩnh vực này.

Các chủ trương, định hướng, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Nhà nước đã rõ. Việt Nam nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và hiện đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Việc nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn được cho là bài toán mấu chốt, là cơ hội cũng là thách thức lớn nhất để phát huy tốt tiềm năng.

Vì vậy, Phó Thủ tướng mong muốn tại hội thảo được lắng nghe trao đổi, thảo luận, đóng góp, đề xuất của các nhà quản lý, các tổ chức ngoại giao, đơn vị đào tạo, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế về xu thế, cơ hội, giải pháp để Việt Nam có thể giải được bài toán trên. Trong đó, cần xác định thế mạnh của Việt Nam, có thể nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ ngay những khâu nào trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn.

Chính phủ sẽ xây dựng, triển khai tất cả những chính sách có thể để tiến tới một lúc nào đó, tính quyết định thị trường nguồn nhân lực là thị trường nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam tiến tới xây dựng được ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Phó Thủ tướng đánh giá cao sự đi đầu của các trường đại học trên cả nước đào tạo nguồn nhân lực sẵn sàng tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn nhưng cũng lưu ý, đào tạo nhân lực bán dẫn cũng cần dựa trên dự báo, thị trường để thực sự đáp ứng nhu cầu. Việc đào tạo nhân lực đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Đặc biệt, muốn đào tạo hàng chục nghìn lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn, trước hết phải ưu tiên đào tạo, thu hút đội ngũ giáo viên, giảng viên chất lượng cao, có kinh nghiệm chuyên sâu trong ngành để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Tại hội thảo cũng diễn ra hoạt động trao biên bản hợp tác giữa các đơn vị, doanh nghiệp, trường đại học; hợp tác giữa Trung tâm Phenikaa đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn (Trường đại học Phenikaa) và các tập đoàn, doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động, đầu tư với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam và quốc tế; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu.