Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Chiến lược Cửa ngõ toàn cầu của EU, có sự tham dự của 500 đại biểu, gồm 25 Tổng thống và người đứng đầu Chính phủ, nhiều lãnh đạo cấp Chính phủ và Bộ trưởng các nước, lãnh đạo Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Thương mại thế giới và đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tổ chức chính trị-xã hội.
Với chủ đề “Cùng nhau mạnh mẽ hơn thông qua đầu tư bền vững”, Diễn đàn đặt mục tiêu tăng cường sự phối hợp giữa các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân trong thống nhất định hướng và huy động nguồn lực, tăng cường đầu tư vào hạ tầng cơ sở chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực, hệ thống y tế vì mục tiêu phát triển bền vững.
Biến đổi khí hậu là thách thức nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội và EU ưu tiên huy động công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, khuyến khích nguồn vốn tư nhân cùng với nguồn lực chính phủ để đóng góp cho quá trình phát triển xanh trên toàn cầu.
Chủ tịch EC
Trong hai ngày làm việc, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận các sáng kiến, giải pháp nhằm tăng cường đầu tư trong sáu lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi năng lượng xanh và hydro xanh, phát triển hạ tầng giao thông thông minh, kết nối số, nguyên liệu thô thiết yếu, nâng cao năng lực y tế, giáo dục và đào tạo.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch EC khẳng định biến đổi khí hậu là thách thức nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội và EU ưu tiên huy động công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, khuyến khích nguồn vốn tư nhân cùng với nguồn lực chính phủ để đóng góp cho quá trình phát triển xanh trên toàn cầu. Bà hoan nghênh các dự án đang triển khai trong khuôn khổ Chiến lược, trong đó có các dự án về năng lượng mặt trời tại Việt Nam.
Lãnh đạo các nước tham dự Diễn đàn đánh giá cao kết quả triển khai Chiến lược Cửa ngõ toàn cầu đến nay với 90 dự án trải đều tại châu Á, Đông Âu. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, nước chủ tịch luân phiên của Nhóm G7 khẳng định G7 sẵn sàng đồng hành cùng EU trong triển khai Chiến lược Cửa ngõ toàn cầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại diễn đàn. |
Phát biểu tại phiên đối thoại cấp cao về Chuyển đổi năng lượng xanh và hydrogen xanh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá Chiến lược Cửa ngõ toàn cầu của EU đã đi vào giai đoạn triển khai thiết thực, đề xuất nhiều biện pháp cụ thể và kỹ thuật. Phó Thủ tướng nhận định, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu là các vấn đề cấp bách toàn cầu xuất phát từ mô hình phát triển. Tương tự như Covid-19, việc vượt qua các thách thức của biến đổi khí hậu cần nỗ lực chung của các quốc gia thông qua chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm, hỗ trợ giảm thiểu chênh lệch về trình độ phát triển vì không một quốc gia nào an toàn nếu còn một quốc gia chưa an toàn.
Phó Thủ tướng khẳng định: “Nếu vaccine là giải pháp cho đại dịch thì năng lượng xanh, hydro xanh chính là giải pháp cho biến đổi khí hậu”. Là một trong 4 quốc gia đã thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các nước phát triển, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước để cùng hành động vì mục tiêu phát triển bền vững thông qua chia sẻ các tiềm năng và thế mạnh của mình.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các nước phát triển và khu vực tư nhân tăng cường cung cấp công nghệ, nguồn tài chính xanh, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, kinh nghiệm quản trị để cả thế giới cùng đạt mục tiêu phát thải ròng vào năm 2050.
Nếu vaccine là giải pháp cho đại dịch thì năng lượng xanh, hydro xanh chính là giải pháp cho biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà
Trao đổi tại phiên thảo luận, các đại biểu cùng chia sẻ và đánh giá cao quan điểm của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà là chuyển đổi công bằng cần có sự hỗ trợ của các nước phát triển đối với các nước đang phát triển và tài chính chính phủ cần định hướng, dẫn dắt cho tài chính tư nhân.
Chiến lược Cửa ngõ toàn cầu là sáng kiến được EU công bố cuối năm 2021 với mục tiêu huy động 300 tỷ Euro trong giai đoạn 2022-2027 cho các dự án đầu tư phát triển, kết nối cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Với sáu phiên thảo luận chuyên đề, đây là diễn đàn có quy mô lớn lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ Chiến lược Cửa ngõ toàn cầu nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế, giữa các chính phủ và khu vực tư nhân trong thống nhất định hướng và huy động nguồn lực, cùng hành động vì mục tiêu phát triển bền vững.