Nền tảng phát triển nguồn nhân lực bán dẫn

Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn là một trong những chủ đề rất được quan tâm ở Việt Nam. Đây cũng là trọng tâm trao đổi giữa Tiến sĩ George Chiu, Giáo sư kỹ thuật cơ khí kiêm Trợ lý Trưởng khoa Chương trình Kỹ thuật Toàn cầu và Quan hệ đối tác tại Đại học Purdue (Mỹ) và báo chí truyền thông, tại Diễn đàn “Phát triển Nguồn lực lao động trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ”.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ George Chiu (ở giữa), Giáo sư kỹ thuật cơ khí kiêm Trợ lý Trưởng khoa Chương trình Kỹ thuật Toàn cầu và Quan hệ đối tác tại Đại học Purdue (Mỹ), trao đổi với truyền thông tại Diễn đàn “Phát triển Nguồn lực lao động trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ”.
Tiến sĩ George Chiu (ở giữa), Giáo sư kỹ thuật cơ khí kiêm Trợ lý Trưởng khoa Chương trình Kỹ thuật Toàn cầu và Quan hệ đối tác tại Đại học Purdue (Mỹ), trao đổi với truyền thông tại Diễn đàn “Phát triển Nguồn lực lao động trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ”.

Năm 2024, Việt Nam sẽ tuyển sinh đào tạo hơn 1.000 sinh viên lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và khoảng 7.000 sinh viên ở các lĩnh vực liên quan. Con số này sẽ tăng dần 20-30% mỗi năm, nhằm đáp ứng nhu cầu khoảng 20 đến 50 nghìn nhân sự có trình độ từ bậc đại học. Đây là những bước tiến quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng chuỗi cung ứng bán dẫn dần dịch chuyển sang khu vực Đông Nam Á.

Theo chia sẻ của ông George Chiu, xoay quanh câu chuyện làm thế nào và có những thách thức gì trong quá trình đào tạo 50 nghìn kỹ sư bán dẫn, không tồn tại bất cứ mô hình thành công cố định nào có thể áp dụng ngay lập tức với những điều kiện riêng biệt của Việt Nam. Song, yếu tố tiên quyết phải thực hiện là tăng cường nguồn nhân tài đầu vào trong các chương trình về phát triển nguồn nhân lực.

"Muốn vậy, bên cạnh chú trọng đa dạng hóa về giới hay điều kiện hoàn cảnh xã hội của học sinh, sinh viên, Việt Nam cần phải bảo đảm liên tục theo sát các em trong quá trình phát triển. Không chỉ cần được hướng dẫn sát sao, các em cần phải duy trì mức độ quan tâm, tình yêu và niềm đam mê với công việc và ngành học của mình, để rồi phấn đấu trở thành những nhân sự chất lượng cao. Khi ấy, bài toán đầu ra của quá trình phát triển nguồn nhân lực cũng phải được bảo đảm. Những kinh nghiệm, trải nghiệm và quá trình cống hiến của các em phải thật sự tạo ra giá trị với những đóng góp thực tế", ông George Chiu nhấn mạnh.

Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào. Dựa trên những đặc điểm và thế mạnh nội tại của đất nước, chúng ta cần tìm kiếm những lối đi riêng để tạo dựng vị thế trong thị trường bán dẫn, từ đó tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam không nhất thiết phải quá chú trọng vào việc xây dựng ngành học hoàn toàn mới. Giải pháp tối ưu là phải tận dụng những ngành kỹ thuật truyền thống và ứng dụng nó một cách khéo léo để phát triển nguồn nhân lực tương lai. Việt Nam nên đẩy mạnh việc tuyển sinh các ngành kỹ thuật tổng hợp, đồng thời khuyến khích sinh viên tiếp tục theo đuổi các ngành kỹ thuật truyền thống. Đó mới là nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của đất nước.

Tiến sĩ GEORGE CHIU, Giáo sư kỹ thuật cơ khí kiêm Trợ lý Trưởng khoa Chương trình Kỹ thuật Toàn cầu và Quan hệ đối tác tại Đại học Purdue (Mỹ)

Khi tới thăm một số trường đại học tại Hà Nội, được tiếp xúc và trò chuyện cùng các sinh viên, ông George Chiu đánh giá cao về tinh thần nghiên cứu hăng say, sự nỗ lực học tập chăm chỉ của họ. Sinh viên Việt Nam rất tự tin, giàu năng lượng và biết chính xác những mục tiêu cần chinh phục. Điều này gợi mở về một tương lai tươi sáng và cơ hội thành công cao trong tương lai.

Trước những lo ngại về rủi ro khi thực hiện tuyển sinh ồ ạt số lượng lớn sinh viên cho ngành học mới, ông George Chiu đã chia sẻ thẳng thắn góc nhìn cá nhân về định nghĩa của ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là tổ hợp của rất nhiều ngành kỹ thuật hiện đại xen lẫn truyền thống. Thí dụ như ngành khoa học máy tính, ngành kỹ thuật và hóa chất, ngành kỹ thuật công nghiệp, ngành kỹ thuật vật liệu...

Khi đã bảo đảm yếu tố đầu vào, bài toán đầu ra cũng cần được Việt Nam thúc đẩy, bắt đầu từ quá trình thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp và chất lượng đào tạo của các hệ thống giáo dục. Sự thiếu đồng bộ này xảy ra ngay cả ở Đài Loan (Trung Quốc), cũng như các quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển chứ không riêng gì Việt Nam. Bởi vậy, các nước luôn nỗ lực kết nối, trao đổi giữa hệ thống giáo dục, nhà trường và các doanh nghiệp, thúc đẩy việc hợp tác công tư... Tất cả sẽ góp phần giúp đỡ lực lượng lao động sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cuối cùng, thay vì lo sợ tình trạng chảy máu chất xám, hay sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, Việt Nam cần nhìn nhận những xu thế trên một cách linh hoạt, dựa trên những góc nhìn dài hạn hơn. AI hay những mối quan hệ hợp tác chiến lược với các quốc gia như Hoa Kỳ nên được nhìn nhận như những lợi thế lớn cho đất nước trong quá trình phát triển.

Cần hoạch định mục tiêu và xây dựng hệ thống chiến lược rõ ràng trong việc phân bổ và sử dụng nguồn lực trong ngành khoa học công nghệ. Trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ trở thành một trong những lĩnh vực tạo đột phá, là cơ hội để Việt Nam thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, ông George Chiu khuyến nghị.