Phát triển nguồn nhân lực bán dẫn

Thị trường chip bán dẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong suốt 20 năm qua với mức tăng trưởng kép hằng năm 14%, có tiềm năng trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030. Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần xác định tập trung vào việc xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và công nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: NAM ANH
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: NAM ANH

Tại Hội thảo “Thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” mới đây, ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh có 3 doanh nghiệp về sản xuất chất bán dẫn gồm Công ty TNHH Hana Micron Vina (vốn Hàn Quốc, đăng ký 643 triệu USD), Công ty TNHH Si Flex Việt Nam (vốn Hàn Quốc, đăng ký 299 triệu USD), Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam (vốn Pháp, đăng ký 21,2 triệu USD). Số lao động ngành bán dẫn hơn 8.000 người, độ tuổi dưới 35 gần 6.700 người, chủ yếu thuộc lĩnh vực tự động hóa, kỹ thuật điện tử, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa.

Chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn

Tuy nhiên, do ngành công nghiệp bán dẫn là ngành sản xuất mới tại tỉnh Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung nên nguồn lao động được đào tạo chính về chuyên ngành công nghiệp bán dẫn hạn chế, chủ yếu là lao động được đào tạo về các chuyên ngành học liên quan đến lĩnh vực bán dẫn. Lao động được doanh nghiệp tuyển vào để đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật, sản xuất về công nghiệp bán dẫn đều chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn đặt ra của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp đều phải đào tạo lao động từ đầu.

“Lao động Việt chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, phải đào tạo trung bình 1 - 3 tháng, để thành thạo, chủ động, độc lập cần ít nhất 6 tháng đến 1 năm”, ông Ngọc nêu rõ.

Về phía doanh nghiệp, ông Chung Won Seok, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hana Micron Vina cho biết, có mặt tại Việt Nam từ năm 2019, đến nay doanh nghiệp có 1.655 lao động và có thể sản xuất ra 100 triệu con chip/tháng. Tuy nhiên, ông Chung Won Seok cho biết, chất lượng nguồn nhân lực Việt tại công ty sản xuất chíp bán dẫn này so với các nền sản xuất Hàn Quốc và Trung Quốc thì sức cạnh tranh còn yếu.

Xét theo tiêu chuẩn thành thạo công việc, lao động Việt Nam ở vị trí 18 thì lao động Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt là vị trí 40 và 60. Về năng lực xử lý thiết bị khi có sự cố thì Việt Nam so với Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt là 30 - 70 - 90 điểm. Về tiêu chí thâm niên, tại Hana Micron Vina, số công nhân có thâm niên 2 năm chỉ chiếm khoảng 10% tổng số lao động, số kỹ sư thiết bị thâm niên đến 3 năm chỉ chiếm 6%, còn kỹ sư quy trình thâm niên hơn 3 năm chiếm 13%.

Bắt tay tạo cầu nối phát triển nhân lực

Trước tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, doanh nghiệp Hàn Quốc dự kiến liên kết các đơn vị trong ngành bán dẫn để mở rộng, định hướng phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Vốn đầu tư sẽ tăng từ 600 triệu USD lên 1 tỷ USD, nâng tổng doanh thu lên 800 triệu USD và dự kiến sẽ tuyển thêm 300 lao động từ nay đến cuối năm.

“Để chủ động nguồn nhân lực, chúng tôi đã liên kết với các trường đại học, cao đẳng tại Bắc Giang đào tạo kỹ sư, để có thể làm việc ngay”, ông Chung Won Seok chia sẻ.

Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, thị trường chip bán dẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong suốt 20 năm qua với mức tăng trưởng kép hằng năm 14%, có tiềm năng trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030. Theo đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu đều đã công bố các kế hoạch hỗ trợ phát triển ngành sản xuất bán dẫn, tạo nên sự cạnh tranh trong ngành này. Ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip.

Tại Việt Nam, Dự thảo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình

Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ đào tạo 50.000 kỹ sư làm việc trong các công đoạn của lĩnh vực bán dẫn. Các giải pháp thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng vừa tốt, vừa nhanh đang tiếp tục được tìm kiếm.

“Phối hợp tập đoàn trong và ngoài nước để tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch là việc hết sức quan trọng. Sự hợp tác này rất cần thiết, bởi muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phải bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế. Không thể một mình một cách thức đào tạo”, ông Hoài nhìn nhận.

Còn Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang dự báo, trong thời gian tới, doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn tiếp tục đầu tư và phát triển tại các khu công nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lao động thêm năm 2024 là 1.866 lao động, trong đó lao động có trình độ cao đẳng trở lên là 281 lao động, lao động phổ thông là 1.585 lao động; giai đoạn 2025 - 2030 khoảng 6.300 lao động, trong đó lao động có trình độ cao đẳng trở lên là 1.200 lao động, lao động phổ thông là 5.100 lao động.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn, ông Nguyễn Xuân Ngọc cho biết, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang sẽ là cầu nối cho các trường đại học, cao đẳng liên hệ, tiếp cận, liên kết với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và ngược lại. Bên cạnh đó xây dựng hệ thống và cung cấp các thông tin về nhu cầu thị trường, nguồn nhân lực, xu hướng phát triển của ngành nghề trong tương lai.

Về phía các trường đại học, cao đẳng, ông Ngọc cho rằng, cần có sự tham khảo nhu cầu thị trường và doanh nghiệp để từ đó xây dựng khung chương trình, kiến thức đào tạo, đánh giá sinh viên... phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu của doanh nghiệp trong từng giai đoạn. Đối với doanh nghiệp, cần thông tin cho các trường về nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp, cùng tham gia đào tạo thông qua đóng góp ý kiến về xây dựng, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp tình hình thực tế.