Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, tại Việt Nam, nông dân đã canh tác hữu cơ truyền thống từ hàng nghìn năm nay và hình thức canh tác này cũng rất được chú trọng trong những năm 50 của thế kỷ trước. Năm 2018, diện tích canh tác hữu cơ đạt khoảng 495 nghìn ha. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn so với 71 triệu ha canh tác hữu cơ của thế giới và 11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn rất lớn khi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam và các nước ngày càng tăng lên.
Nhận thức được xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới và trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiều hoạt động để xây dựng cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý cho phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Đại biểu trình bày tham luận tại diễn đàn. |
Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã xây dựng một số mô hình tiêu biểu thực hiện liên kết chuỗi, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, như mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía bắc; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh vùng bắc trung bộ; ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau theo hướng hữu cơ; sản xuất măng tây theo hướng hữu cơ tại một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ; mô hình sản xuất chè hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại tỉnh Lâm Đồng…
Trên đồi chè ô-long huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. |
Nhiều ý kiến tham luận tại diễn đàn cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Quá trình liên kết đó có những đặc điểm riêng và đóng vai trò quan trọng, như góp phần bảo đảm các bên cùng có lợi, làm tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, góp phần nâng cao hiệu quả, vai trò quản lý nhà nước về kinh tế và phát triển bền vững.
Tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị, giúp bảo đảm cho các bên tham gia chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị, phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Không gian trưng bày các sản phẩm sản xuất hữu cơ tại diễn đàn. |
Các đại biểu cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ, lĩnh vực khuyến ngư và đưa ra các giải pháp nhằm gia tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, như chính sách ưu đãi đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ; giải pháp xây dựng, quản lý các tổ chức chứng nhận sản xuất phù hợp theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; giải pháp về liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; về đào tạo nguồn nhân lực, thông tin tuyên truyền phát triển nông nghiệp hữu cơ…