Qua các nhiệm kỳ, tỉnh đều ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp, với mục tiêu “phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại” để lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc.
Lâm Đồng được đánh giá là tỉnh tiên phong trong cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Giai đoạn mới, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại và bền vững.
Đón đầu xu hướng
Qua quá trình phân tích, nghiên cứu và bàn thảo, trên cơ sở xác định rõ tiềm năng, thế mạnh, hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa VII (năm 2003), Tỉnh ủy Lâm Đồng xác định, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong sáu chương trình đột phá để phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm của giai đoạn đầu, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU, về “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2011-2015”. Giai đoạn này, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như rau cao cấp đạt đến 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt rau thủy canh đạt từ 8 tỷ đến 9 tỷ đồng; hoa đạt đến 1,2 tỷ đồng, chè chất lượng cao đạt 250 triệu đồng và cà-phê đạt 240 triệu đồng/ha/năm. “Kết quả sản xuất NNCNC tại Lâm Đồng giai đoạn này, một lần nữa khẳng định chủ trương đúng đắn của nghị quyết về phát triển NNCNC, được xem là chìa khóa mở “tiềm năng xanh” địa phương”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S nhận định.
Nhận thấy dư địa để phát triển nông nghiệp tại Lâm Đồng, năm 1997, ông Lê Văn Cường (Phường 8, TP Đà Lạt) đã chọn khởi nghiệp bằng nông nghiệp. Gia đình ông thành lập Công ty TNHH Dalat G.A.P để đầu tư phát triển NNCNC. Năm 2012, Dalat G.A.P được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận “doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Qua hơn 25 năm hoạt động, Dalat G.A.P đã khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước và xuất khẩu sản phẩm sang một số thị trường khu vực châu Á. Ông Cường cho rằng: “Muốn hội nhập, muốn xuất khẩu phải ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh số hóa trong sản xuất”. Tại huyện nông thôn mới Đơn Dương, Lâm Đồng, ông Bùi Ngọc Cung được ví là “nông dân số”. Với thâm niên hơn 30 năm gắn với nghề nông, giờ ông cảm thấy nhàn nhã khi ứng dụng IoT trên trang trại hơn 2,5 ha của mình.
Ông kể: “Tôi được tỉnh cho “xuất ngoại” học tập kinh nghiệm làm nông và “mê” hình ảnh nông nghiệp thông minh, sau đó quyết định đầu tư để thay đổi. Giờ hiệu quả kinh tế đã rõ, các loại rau, củ, quả của trang trại đã vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng rau sạch trong nước”.
Trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và ứng phó với biến đổi khí hậu, Tỉnh ủy Lâm Đồng tiếp tục đánh giá, tổng kết rút ra những điểm mới trong phát triển nông nghiệp và ban hành Nghị quyết 05, “Về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, giai đoạn 2016-2020; định hướng đến năm 2025”.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Từng bước hiện thực hóa mục tiêu hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, năm 2022, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 21 về “Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn đến năm 2025; định hướng đến năm 2030”.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu, thực tế cho thấy, những năm qua, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong nông nghiệp là nền tảng và động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả nền nông nghiệp, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.
Hiện, diện tích sản xuất NNCNC tại Lâm Đồng hơn 66.800 ha, chiếm 20,4% diện tích canh tác; góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân trong nông nghiệp lên 245 triệu đồng/ha/năm, tăng 3,3% so với năm 2022. Toàn tỉnh công nhận được 9 vùng sản xuất, có 14 doanh nghiệp được công nhận “doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, 31 hợp tác xã và 59 trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng, 154/253 doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng, 15 doanh nghiệp và trang trại ứng dụng công nghệ thông minh.
Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho thấy, trong trồng trọt, toàn tỉnh hiện có hơn 630 ha ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số; cùng các ứng dụng sơ chế, phân loại nông sản như máy rửa và phân loại dựa trên mầu sắc và kích thước của sản phẩm; máy tách mầu trong chế biến trà, cà-phê nhân xuất khẩu; máy liên hợp, phối trộn khẩu phần thức ăn hoàn chỉnh theo phương pháp TMR trong chăn nuôi; robot đẩy thức ăn và hệ thống mát-xa tự động trong chăn nuôi bò sữa. Giai đoạn 2021-2023, Sở đã đề xuất đặt hàng 18 đề tài, tiếp nhận và chuyển giao 15 đề tài khoa học-công nghệ.
Theo đánh giá, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nông sản, dịch vụ nông nghiệp địa phương trên thị trường trong nước và quốc tế. Hiện nông sản Lâm Đồng đã xuất khẩu qua hơn 40 quốc gia trên thế giới; tất cả sản phẩm OCOP và hơn 1.300 nông sản của hơn 500 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân đã tham gia quảng bá và bán hàng trên nhiều sàn thương mại điện tử.
Với nền tảng, thành tựu nông nghiệp thời gian qua, Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025, có hơn 25% diện tích ứng dụng công nghệ cao; trong đó có ít nhất 1.000 ha nông nghiệp thông minh, tuần hoàn; kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 600 triệu USD; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 74 triệu đồng/năm.
Tiến sĩ Phạm S phân tích, để chuyển đổi số nông nghiệp đạt kết quả tốt, Lâm Đồng tiếp tục hợp tác và đặt hàng các trường đại học, viện nghiên cứu đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là khối ngành khoa học-công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế; tiếp tục có cơ chế, chính sách nhằm tạo đột phá nông nghiệp thông minh với lộ trình và nguồn lực hợp lý; thu hút doanh nghiệp FDI về nông nghiệp thông minh để tiếp cận nhanh công nghệ hiện đại… Qua đó, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra sản phẩm đạt quy chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường.