Nâng cao giá trị nông sản từ nông nghiệp hữu cơ

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp và các hợp tác xã ở Sơn La. Sau nhiều năm phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay hướng đi này không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động trong sản xuất nông nghiệp và mang lại hiệu quả kinh tế tại nhiều cơ sở của Sơn La.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân bản Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn chăm sóc na theo hướng hữu cơ.
Nông dân bản Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn chăm sóc na theo hướng hữu cơ.

Chúng tôi đến thăm mô hình cải tạo, chăm sóc mận hậu theo hướng hữu cơ tiêu chuẩn VietGAP tại xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La. Đây là một trong ba mô hình điểm sản xuất theo hướng hữu cơ được thành phố Sơn La hỗ trợ sản xuất. Mô hình có sự tham gia của 13 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, quy mô thực hiện trên diện tích 5 ha tại bản Dầu, xã Chiềng Cọ. Các hộ được tư vấn, hướng dẫn cắt tỉa cành, hạ tán nhằm điều chỉnh thông thoáng cho cây mận, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và các loại phân bón hữu cơ tự sản xuất. Sau hơn ba năm triển khai đã giúp người trồng mận tiết kiệm được chi phí vật tư nông nghiệp, cải tạo đất, hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường và hạn chế được sâu bệnh hại, tăng sản lượng thu hoạch cao gấp 30% so với trước đây.

Bà Lèo Thị Biên, bản Dầu cho biết: Trước đây, gia đình để cây mận phát triển tự nhiên, cho năng suất cao nhưng quả nhỏ, mẫu mã không đẹp, bán không được giá. Năm 2021, nhờ tham gia mô hình trồng mận theo hướng hữu cơ, áp dụng kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, quả mận to đều, sản lượng đạt hơn 20 tấn/năm. Từ khi sản phẩm được sản xuất theo hướng hữu cơ đã bán tốt hơn, có nhiều đơn hàng đặt với số lượng lớn, không lo tìm đầu ra như trước đây.

Tại xã Chiềng Cọ, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã và đang đem lại lợi ích về môi trường, sản xuất hiệu quả, bền vững, được người dân tin tưởng làm theo. Theo kế hoạch đến năm 2024, xã sẽ tuyên truyền, nhân rộng mô hình cải tạo mận hậu, sản xuất theo hướng hữu cơ đối với 70% diện tích cây mận hậu tại xã. Bước đầu những diện tích trồng theo hướng hữu cơ đã đón nhận được phản hồi rất tốt từ người tiêu dùng và các cơ sở thu mua mận.

Tới thăm Hợp tác xã Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, thông tin đầu tiên chúng tôi được tiếp nhận là: Sản phẩm na sầu riêng của hợp tác xã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cấp Giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu. Qua tìm hiểu, hợp tác xã có 26 thành viên đều là những tỷ phú về trồng na. Hơn 100 ha na của hợp tác xã không còn canh tác theo lối truyền thống hay dựa vào kinh nghiệm, mà người dân đã thực hiện nghiêm quy trình sản xuất sạch, từ khâu làm đất, bón phân, tưới nước đến thu hoạch theo hướng hữu cơ. Nhờ thương hiệu và chất lượng sản phẩm sạch, an toàn, hợp tác xã không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm như trước đây, thay vào đó thương lái và các đại lý hoa quả sạch tự tìm đến đặt hàng tận vườn.

Ông Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc Hợp tác xã Mé Lếch cho biết: Để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn với người tiêu dùng, hợp tác xã chủ yếu bón phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ tổng hợp và phun các loại tinh dầu thảo mộc để trị bệnh cho cây na. Ngoài bảo đảm an toàn về sản phẩm, việc sử dụng phân hữu cơ làm cho đất luôn tơi xốp, hạn chế các vi sinh vật gây hại đối với cây trồng. Ngoài na dai, hợp tác xã còn sản xuất và đưa ra thị trường giống na sầu riêng, có trọng lượng từ 0,5-2 kg mỗi quả, giá bán từ 400.000-500.000 đồng/kg.

Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La đang tập trung các giải pháp triển khai chỉ đạo, thực hiện sản xuất hữu cơ; tăng cường công tác tổ chức sản xuất, truy xuất các sản phẩm an toàn, tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên của các cơ sở; tập trung xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm hữu cơ, chủ động mời gọi, tìm kiếm các doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã sản xuất tiêu thụ những sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La khẳng định: Việc sử dụng phân hữu cơ trong các vườn trồng cây ăn quả ở Sơn La không còn là chuyện hiếm. Nhiều nông dân đã không còn chạy theo năng suất mà quan tâm nhiều hơn tới chất lượng sản phẩm và có giá bán tốt hơn. Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh ngày càng được nhân rộng, đến nay Sơn La có hơn 200 ha cây trồng (lúa, bưởi, rau, chè) được cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ; gần 400 ha cam, bưởi, lúa được chứng nhận chuyển đổi hữu cơ. Sơn La được cấp 281 mã số vùng trồng với diện tích hơn 4.600 ha và xây dựng, duy trì 250 chuỗi nông sản, thủy sản an toàn.

Từ việc đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Sơn La đã và đang tạo được phong trào thi đua phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ tại các cơ sở, góp phần thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của nông dân. Tại nhiều cơ sở của các huyện, thành phố, ngoài việc tạo thói quen trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, các huyện, thành phố còn đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các cơ sở trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.