Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 7 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 333/QĐ-BGTVT ngày 18/3/2022, với tổng mức đầu tư 1.300,270 tỷ đồng, có tổng chiều dài 27,5km đi qua 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Dự án được chia làm 3 gói thầu xây dựng, tổng giá trị 778,724 tỷ (bao gồm chi phí dự phòng). Trong đó, gói thầu xây dựng 01: 285,618 tỷ đồng; Gói thầu xây dựng 02: 192,088 tỷ đồng; Gói thầu xây dựng 03: 301,128 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp, quốc lộ 7 sẽ kết nối với đường cao tốc bắc-nam và kết nối, nâng cao năng lực khai thác trên hành lang vận tải từ Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An (thông thương với Lào) tới các tỉnh ven biển miền trung, tạo động lực lớn trong phát triển kinh tế-xã hội,… Chính vì vậy, đây là dự án quan trọng, mang tính cấp bách.
Bàn giao đất với tình trạng “xôi đỗ”
Một trong những hạng mục quan trọng của Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 7 đoạn Km0-Km36 đó là cầu vượt đường sắt ở xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu. Cầu được thiết kế 2 làn, 8 nhịp, tuy nhiên, đến nay mới lắp được 3,5 nhịp.
Anh Trương Quang Long, Chỉ huy trưởng gói thầu xây dựng 02 cho biết: Theo kế hoạch, cầu vượt đường sắt ở xã Diễn Phúc; cầu Đậu giáp ranh xã Diễn Phúc và Diễn Cát sẽ được hoàn thành vào tháng 9/2023, nhưng do mặt bằng thi công không liên tục, ngắt quãng nên không đạt tiến độ như kế hoạch đề ra.
Mỗi lần huy động máy móc, thiết bị vào làm được một đoạn nhỏ, rất vất vả, tốn kém, khiến các nhà thầu gặp nhiều khó khăn vì chi phí bị đẩy lên cao”.
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án 4 (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải).
“Có đoạn chỉ được 20m, máy móc thi công trong diện hẹp nên rất khó khăn. Có thời điểm, máy móc, thiết bị và công nhân... nằm chờ dài cả tháng, rất nóng ruột...
Ngoài việc chưa có mặt bằng thi công, việc tuyến đường cũ hẹp, lưu lượng phương tiện giao thông lớn, nhất là từ khi đường cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu được thông xe đã phát sinh thêm khối lượng công việc bảo đảm an toàn giao thông trong thi công cho nhà thầu”, anh Long chia sẻ thêm.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Diễn Châu Lê Mạnh Hiên, trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân huyện Diễn Châu đã đẩy mạnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, và hiện nay đang tích cực thực hiện công tác vận động, đối thoại với các hộ dân và đã bàn giao nhiều đoạn tuyến, điển hình như các đoạn qua khu dân cư xã Diễn Thành, Diễn Phúc, Diễn Cát và Minh Châu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt là vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất...
Tiến độ giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Diễn Châu mới chỉ đạt khoảng 80%, khó khăn nhất là đoạn Km0+500 đang bị vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng. |
Cũng theo ông Hiên cho biết thêm: "Hiện nay, tiến độ giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Diễn Châu đạt khoảng 80%, đang vướng mắc ở đoạn Km0+500. Khó khăn nhất đối với diện tích mặt bằng chưa được giải phóng của dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 7 là xác định nguồn gốc đất, trải qua nhiều thời kỳ, qua nhiều lần giao đất, giấy giao đất trước đây không có tọa độ, hình thể thửa rõ ràng. Một số hộ dân đòi hỏi giá trị hỗ trợ, bồi thường vượt mức quy định, khung chính sách của Nhà nước. Bên cạnh đó, chính sách bồi thường đất nông nghiệp đã có từ lâu…".
Ngày 4/1 vừa qua, Ủy ban nhân dân huyện Diễn Châu đã có văn bản kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An xem xét mức hỗ trợ, bồi thường đối với một số trường hợp như: tài sản được xây dựng trong phạm vi đất được giao; một số hộ gia đình xây dựng tài sản (Ki-ốt, mái che, sân nền láng vữa xi-măng, công trình phụ…) sau ngày 1/7/2004 trên đất nông nghiệp do Ủy ban nhân dân xã cho thuê; trường hợp xây dựng tài sản sau ngày 1/7/2004, không đúng mục đích sử dụng đất trên đất nông nghiệp được giao,…
Các nhà thầu gặp khó khăn do mặt bằng thi công chậm được bàn giao nên công tác triển khai không liên tục, ngắt quãng, ảnh hưởng tiến độ hoàn thành dự án. |
Tại đoạn qua xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành, đến thời điểm hiện tại, các hạng mục công trình cơ bản đã hoàn thành, phần nền đường còn lại khoảng 1km chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng (6 hộ dân với 22 thửa đất ở xóm Giáp Quán).
Theo xác định của Ủy ban nhân dân xã Mỹ Thành, đây là đất thuộc các loại: Đất bằng chưa sử dụng; đất giao thông thủy lợi; đất nông nghiệp sau chuyển đổi đưa vào diện tích đất công ích do ủy ban nhân dân xã quản lý và đã có quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành. Các hộ dân này chưa bàn giao và yêu cầu bồi thường đất nông nghiệp do gia đình khai hoang từ năm 1978.
Ông Phạm Công Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Thành cho hay: Để hạn chế ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, thúc đẩy tiến độ bàn giao mặt bằng thi công dự án, Ủy ban nhân dân xã đã lên phương án bảo vệ thi công, kế hoạch đã được báo cáo lên Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành xem xét, phê duyệt.
Để hạn chế ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, thúc đẩy tiến độ bàn giao mặt bằng thi công dự án, Ủy ban nhân dân xã đã lên phương án bảo vệ thi công, kế hoạch đã được báo cáo lên Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành xem xét, phê duyệt.
Ông Phạm Công Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Thành.
Còn tại đoạn qua thị trấn Đô Lương và các xã Hòa Sơn, Lưu Sơn có tổng chiều dài 9,078km (từ Km24+650 đến Km35+225), sau hơn 1 năm triển khai, dự án vẫn chưa hoàn thành.
Đoạn “nút thắt” qua xóm Lưu Diên (xã Lưu Sơn), chỉ dài khoảng 300m; được thiết kế rộng, với 2 làn đường có hình vòng cung hướng từ thị trấn lên cầu Đô Lương. Do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đình trệ thi công nên hơn 1 năm qua, người dân trong khu vực phải chịu cảnh khổ sở do bụi đất và ngập nước; các phương tiện tham gia giao thông cũng gặp nhiều khó khăn trong việc lưu thông.
Theo ông Đào Văn Tài, Bí thư Đảng ủy xã Lưu Sơn, vừa qua một số hộ đã chấp thuận phương án và tự nguyện tháo dỡ, hiện đang còn có 9 hộ dân chưa thống nhất phương án hỗ trợ, không bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Công tác bảo vệ thi công, cưỡng chế thu hồi đất để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự kiến sẽ được tiến hành sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Trước đó, sau khi kiểm tra, rà soát chi tiết hiện trạng sử dụng đất của các hộ dân liên quan, ngày 10/7/2023, Ủy ban nhân dân huyện Đô Lương đã có văn bản trả lời kiến nghị của người dân về việc xem xét bồi thường, hỗ trợ phần diện tích đất không được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Đô Lương khẳng định, các hộ gia đình đang sử dụng phần diện tích đất hành lang bảo vệ đường bộ (phần diện tích này năm 1996, Ủy ban nhân dân huyện không giao đất cho các hộ gia đình sử dụng, mà thuộc quỹ đất được quy hoạch vào mục đích mở rộng đường giao thông được quy định tại Điều 61 và Điều 62, Luật Đất đai năm 2013) không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì vậy, Nhà nước thu hồi diện tích đất này sẽ không bồi thường, hỗ trợ về đất. Do đó, kiến nghị của các hộ dân không có cơ sở xem xét, giải quyết.
Đối với các công trình nhà cửa, vật kiến trúc xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường về đất (phần diện tích đất trừ hành lang đường giao thông, Nhà nước không giao cho các hộ gia đình) nếu xây dựng trước ngày 1/7/2004, khi tiến hành xây dựng không bị cơ quan có thẩm quyền thông báo đình chỉ thì được hỗ trợ bằng 50% giá trị bồi thường; còn những công trình, vật kiến trúc xây dựng sau ngày 1/7/2004 sẽ không được bồi thường, hỗ trợ.
Điểm nghẽn cần sớm được tháo gỡ
Đại diện chủ đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý dự án 4 (Cục Đường bộ-Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Quang Huy, cho biết: Dù chưa về đích được trong tháng 12/2023, nhưng đã đạt được kết quả khả quan như thời điểm hiện tại là có sự đóng góp rất tích cực của các chính quyền địa phương. Trước đó, thời điểm giữa năm 2023 thì rất khó khăn, thậm chí có thể nói là bế tắc. "Để tháo gỡ, Ban đã cử những cán bộ, nhân viên có năng lực nổi trội để xuống hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Vận động, giải phóng mặt bằng được đoạn nào, Ban yêu cầu, đốc thúc nhà thầu thi công ngay đoạn đó, kể cả một vài chục mét, bất kể ngày hay đêm, trời mưa hay nắng", ông Huy nhấn mạnh.
Tuyến đường cũ hẹp, lưu lượng phương tiện giao thông lớn, nhất là từ khi đường cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu được thông xe đã phát sinh thêm khối lượng công việc, nhất là công tác bảo đảm an toàn giao thông trong thi công cho nhà thầu. |
Trong báo cáo tình hình thực hiện dự án mới đây, Ban Quản lý dự án 4 cho biết: Đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được khoảng 48,799km/55,156km (đạt 88,47%) tính cả trái và phải tuyến.
Cụ thể, huyện Diễn Châu đã bàn giao đạt 78,06%; khoảng: 4,027km chưa bàn giao (tính cả trái và phải tuyến). Huyện Yên Thành đã bàn giao đạt khoảng đạt 92,5%; còn khoảng: 2,086km (tính cả trái và phải tuyến). Huyện Đô Lương bàn giao đạt 96,69%; hiện còn 0,84km mặt bằng chưa bàn giao (tính cả trái và phải tuyến). Việc chậm bàn giao mặt bằng khiến giá trị thi công Dự án tính đến ngày 22/1/2024, đạt 484/712 tỷ đồng (không bao gồm chi phí dự phòng), đạt 67,97%.
“Chúng tôi đang tập trung, nỗ lực hết sức mình để thực hiện dự án, nhưng việc có hoàn thành được kế hoạch hay không thì phụ thuộc phần lớn vào giải phóng mặt bằng có thực hiện được hay không?! Do đó, Ban Quản lý dự án 4 đề nghị tỉnh Nghệ An và các địa phương có dự án đi qua tiếp tục ưu tiên, quan tâm chỉ đạo, giải quyết vướng mắc về mặt bằng”, ông Huy chia sẻ thêm.
Đối với một số hộ có đất và tài sản trên đất bị ảnh hưởng bởi dự án, nhưng không đủ điều kiện được đền bù, hỗ trợ nên chưa bàn giao mặt bằng, Ban Quản lý dự án 4 đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện và Ủy ban nhân dân xã có liên quan tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chấp thuận bàn giao mặt bằng. Trường hợp không chịu bàn giao thì tổ chức bảo vệ thi công để bàn giao cho đơn vị thi công, bảo đảm tiến độ dự án.
Từ thực tế trong giải phóng mặt bằng để thi công dự án này, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Diễn Châu kiến nghị: “Để công tác giải phóng mặt bằng được hiệu quả hơn, đối với một số huyện đặc thù, có nhiều dự án, cần cho phép thành lập trung tâm phát triển quỹ đất, hoặc tổ chức thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng riêng biệt, chuyên nghiệp”.