Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan dự lễ.
Phát lệnh khánh thành 2 dự án, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, quãng thời gian thi công 2 dự án này, các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, tất cả đều phát huy tinh thần quyết tâm, nỗ lực đưa dự án hoàn thành bảo đảm tiến độ và chất lượng kỹ thuật.
Phó Thủ tướng biểu dương lãnh đạo, cán bộ, nhân viên ngành giao thông, công nhân lao động, nhà thầu, đơn vị tư vấn đã đề xuất các giải pháp hoàn thành nhiều hạng mục phức tạp như xử lý nền đất yếu, thi công cầu, hầm lớn,…
Bên cạnh đó, có sự chủ động vào cuộc của các bộ, ngành và lãnh đạo 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã chỉ đạo đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tái định cư, được nhân dân ủng hộ và đồng lòng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ khánh thành. |
“Tuyến đường được khánh thành, đưa vào khai thác sẽ tạo thành “trục xương sống”, hành lang kinh tế của đất nước kết nối các loại hình đường bộ, đường biển, đường sắt và hàng không. Hai dự án nối từ Quốc lộ 45 tới Diễn Châu dài gần 100km là dấu mốc đáng nhớ, tuyến đường từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Nghệ An đã được kết nối xuyên suốt, thúc đẩy kinh tế-xã hội, trung tâm công nghiệp du lịch giữa các tỉnh, thành phố”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định.
Để phát huy hiệu quả dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tính toán quy hoạch Bắc Trung Bộ và duyên hải Bắc Trung Bộ với các hệ sinh thái kết nối giao thông; 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An triển khai quy hoạch cần bổ sung song hành giữa phát triển giao thông và đô thị.
Bộ Giao thông vận tải bảo trì, duy tu, bảo đảm môi trường cảnh quan dọc 2 bên đường; bố trí các trạm dừng nghỉ, nút giao thông kết nối giữa các loại hình vận tải; phòng ngừa nguy cơ sụt lún, sạt trượt, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thành phần cao tốc bắc-nam, đưa các tuyến về đích đúng tiến độ, đạt chất lượng,...
Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, việc hoàn thành 2 dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu tiếp tục nâng tổng số km đường cao tốc Bắc-Nam lên khoảng 1.050km; góp phần nối thông tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội đến Nghệ An dài 251km, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội về Nghệ An còn khoảng 3,5 giờ so với 5 giờ như trước đây.
Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ sau 3 năm, cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác 649km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đến thời điểm hiện nay đạt 1.822km.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, thời điểm hiện tại, đã có 8 dự án thành phần trên cao tốc bắc-nam, tổng chiều dài 519km đưa vào khai thác. Trong đó, 2 dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn dài 43km và Nghi Sơn-Diễn Châu dài 50km đi qua địa phận Thanh Hóa và Nghệ An đã hoàn thành các hạng mục chính tuyến và đưa vào khai thác để phục vụ nhân dân dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua.
Nhiều dự án cao tốc bắc-nam thi công “xuyên lễ”
Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km; trong đó, 8 dự án thành phần được đầu tư bằng hình thức đầu tư công với chiều dài 477km và 3 dự án thành phần được đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) dài 177km.
Dự kiến, Bộ Giao thông vận tải bố trí trạm dừng nghỉ tại Km427+035 (bố trí 2 bên đường cao tốc) và đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Được sự quan tâm chỉ đạo cũng như sự tháo gỡ kịp thời về chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị nỗ lực triển khai trong năm 2023, phấn đấu khánh thành dự án Cầu Mỹ Thuận 2 dài 7km và đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ dài 23km.
Tiếp đến, năm 2024, sẽ hoàn thành 2 dự án cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt và Cam Lâm-Vĩnh Hảo dài 128km, đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần cao tốc bắc-nam giai đoạn 2021-2025 và một số đoạn khác để thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau, cả nước sẽ có 3.000km đường bộ cao tốc; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.