Củng cố quan hệ đối tác Mỹ-EU

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Liên minh châu Âu (EU), với lịch trình hoạt động bận rộn, đã khép lại. Trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều thách thức và khủng hoảng địa chính trị, cuộc gặp cấp cao lần này đặt mục tiêu củng cố quan hệ đối tác xuyên Ðại Tây Dương, đối phó các cuộc khủng hoảng và thống nhất lập trường trong giải quyết các vấn đề nóng toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Cờ châu Âu tung bay bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ ngày 20/ 9/2023. (Ảnh: Reuters)
Cờ châu Âu tung bay bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ ngày 20/ 9/2023. (Ảnh: Reuters)

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, là cuộc gặp cấp cao chính thức thứ hai kể từ khi ông Biden nhậm chức năm 2021.

So với hội nghị thượng đỉnh lần trước tổ chức hồi tháng 6/2021 tại Brussels (Bỉ), hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh khó khăn hơn nhiều khi Mỹ và EU đang phải đối mặt những thách thức địa chính trị với các cuộc xung đột ở châu Âu và Trung Ðông.

So với hội nghị thượng đỉnh lần trước tổ chức hồi tháng 6/2021 tại Brussels (Bỉ), hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh khó khăn hơn nhiều khi Mỹ và EU đang phải đối mặt những thách thức địa chính trị với các cuộc xung đột ở châu Âu và Trung Ðông.

Chương trình nghị sự của hội nghị lần này phần nào bị phủ bóng bởi các sự kiện "không mong đợi", nhất là xung đột giữa Hamas và Israel, mà cả Mỹ và châu Âu đều muốn ngăn chặn, không để kéo dài hoặc lan rộng thành một cuộc chiến tranh khu vực.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo Mỹ và EU tập trung thảo luận hai vấn đề được hai bên hết sức coi trọng thời gian qua là bảo đảm an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu.

Hai bên cam kết hợp tác, trao đổi và thúc đẩy ứng dụng các công nghệ và nền tảng mới để giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhiên liệu hóa thạch, phát triển kinh tế xanh, sử dụng năng lượng sạch; trao đổi về khả năng các khoáng sản được khai thác, tinh chế ở EU được hưởng một số miễn trừ theo Ðạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ.

Hội nghị bàn cách thức hướng tới một thế giới hòa bình và an ninh hơn, đồng thời trao đổi về các cuộc xung đột đang bùng phát tại dải Gaza, Ukraine.

Kết thúc hội nghị, hai bên ra tuyên bố chung gồm 34 điểm, nhấn mạnh Mỹ và EU cùng các quốc gia thành viên đại diện cho gần 800 triệu dân gắn kết bởi các giá trị và các mối quan hệ kinh tế năng động, tái khẳng định cam kết chung với mối quan hệ đối tác xuyên Ðại Tây Dương.

Tuyên bố xác định hai trụ cột hợp tác chính gồm an ninh, với trọng tâm hướng tới một thế giới an ninh, ổn định và tăng cường hợp tác kinh tế Mỹ-EU. Các nhà lãnh đạo Mỹ và EU nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ-EU, cam kết tăng cường thị trường xuyên Ðại Tây Dương, hỗ trợ việc làm bền vững và các cơ hội kinh tế với trọng tâm là khả năng phục hồi và tính bền vững cùng có lợi của chuỗi cung ứng.

Kết thúc hội nghị, hai bên ra tuyên bố chung gồm 34 điểm, nhấn mạnh Mỹ và EU cùng các quốc gia thành viên đại diện cho gần 800 triệu dân gắn kết bởi các giá trị và các mối quan hệ kinh tế năng động, tái khẳng định cam kết chung với mối quan hệ đối tác xuyên Ðại Tây Dương.

Về quan hệ với các đối tác và khu vực khác, hai bên nhắc lại cam kết chung trong việc tăng cường quan hệ phối hợp và hợp tác nhằm hỗ trợ một khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở; khẳng định ủng hộ giải quyết các tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; nhất trí tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, hợp tác với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Ðánh giá về hội nghị, các chuyên gia cho rằng mối quan hệ Mỹ-EU gắn bó mật thiết, chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực. EU từ lâu đã chiếm một vị trí rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, song hai bên không tránh khỏi những bất đồng, thậm chí cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Kể từ khi Tổng thống Biden lên cầm quyền, quan hệ Mỹ-EU được cải thiện đáng kể với nhiều chuyến thăm cấp cao, hai bên nỗ lực giải quyết các bất đồng thương mại nhằm bảo đảm ổn định chuỗi cung ứng. Nhìn chung dư luận đều kỳ vọng hội nghị này sẽ tạo động lực quan trọng cho quan hệ song phương thời gian tới.

Dù chưa thể giải quyết được hết các trở ngại trong quan hệ song phương, cũng như không đạt được các thỏa thuận mang tính đột phá về các vấn đề vướng mắc, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU lần này đã tạo cơ hội để lãnh đạo hai bên trao đổi trực tiếp về hàng loạt vấn đề nóng trên thế giới.