Mở rộng hợp tác giữa EU và Mỹ Latin

Hơn 50 nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC), khai mạc hôm nay (17/7), tại Brussels (Bỉ). Các bên đánh giá đây là cơ hội để mở rộng hợp tác toàn diện và cùng có lợi, trong các lĩnh vực ưu tiên cao, như tài trợ phát triển, chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng tái tạo, đồng thời tạo thêm động lực cho đàm phán giữa EU và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).
0:00 / 0:00
0:00
Cờ châu Âu tung bay bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ ngày 13/3/2023. (Ảnh: Reuters)
Cờ châu Âu tung bay bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ ngày 13/3/2023. (Ảnh: Reuters)

Với vị thế nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại khu vực Mỹ Latin và Caribe, EU đang triển khai dự án đầu tư kéo dài tới năm 2027 tại khu vực này, dự kiến trị giá khoảng 10 tỷ euro. Ðây là khoản đầu tư quốc tế nằm trong khuôn khổ chương trình Cổng Toàn cầu (Global Gateway), một sáng kiến của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm cung cấp khoảng 300 tỷ euro cho các dự án phát triển bền vững, chủ yếu là chuyển đổi xanh và kỹ thuật số ở khu vực, trong đó có Mỹ Latin và Caribe.

EU đang triển khai dự án đầu tư kéo dài tới năm 2027 tại khu vực Mỹ latin và Caribe, dự kiến trị giá khoảng 10 tỷ euro. Ðây là khoản đầu tư quốc tế nằm trong khuôn khổ chương trình Cổng Toàn cầu (Global Gateway), một sáng kiến của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm cung cấp khoảng 300 tỷ euro cho các dự án phát triển bền vững, chủ yếu là chuyển đổi xanh và kỹ thuật số ở khu vực, trong đó có Mỹ Latin và Caribe.

Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, EU sẽ tăng gấp đôi khoản đầu tư vào các dự án vì mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực Mỹ Latin, tập trung hỗ trợ quản lý rừng bền vững, phát triển năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng năng lượng sạch.

Mỹ Latin và EU được đánh giá có những điểm tương đồng trong lịch sử và bây giờ là thời điểm thuận lợi để hai bên có thể thúc đẩy hợp tác cùng phát triển. Mỹ Latin có những nguồn tài nguyên cần thiết cho châu Âu, trong khi khu vực này lại cần ở Lục địa già công nghệ, kết quả nghiên cứu và khoa học để có thể khai thác một cách hiệu quả hơn nguồn tài nguyên.

Ðại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã kêu gọi các nước thành viên của hai khối phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau để đối phó với các vấn đề mang tính toàn cầu.

Ông Borrell khẳng định, hai khu vực có chung ý chí để có thể cùng nhau hướng tới một mục tiêu trong tương lai.

Hội nghị thượng đỉnh EU-CELAC lần này là cuộc gặp thứ ba giữa các nhà lãnh đạo của cả hai liên minh khu vực và là cuộc gặp đầu tiên trong 8 năm qua. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh khu vực Mỹ Latin và Caribe đang là thị trường mới thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) mới đây cho biết, FDI vào khu vực này đã tăng 55,2% trong năm 2022, lên mức kỷ lục 224,579 tỷ USD. Trong số các nhà đầu tư nước ngoài, EU (không bao gồm Hà Lan và Luxembourg) chiếm 17%. Trước tiềm năng hợp tác lớn, Hội nghị được kỳ vọng là không gian dành cho đối thoại, tạo cơ hội để thúc đẩy hợp tác và xác định các giải pháp để cùng nhau ứng phó thách thức toàn cầu.

Mặc dù vậy, giữa EU và MERCOSUR (gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay) vẫn tồn tại những bất đồng, khác biệt cần hóa giải. Hai bên đã đạt được một thỏa thuận khung về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) hồi năm 2019 sau hai thập niên đàm phán khó khăn. Tuy nhiên, văn kiện này đến nay vẫn chưa được phê chuẩn do châu Âu lo ngại về tình trạng tàn phá rừng tại khu vực Amazon.

Ngoài ra, một số quốc gia châu Âu có ngành nông nghiệp mạnh, đặc biệt là Pháp, không muốn mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp từ khối thị trường chung Nam Mỹ. Một số ý kiến nhận định, Hội nghị thượng đỉnh EU-CELAC khó có thể mở đường cho thỏa thuận thương mại tự do EU-MERCOSUR. Brussels không kỳ vọng bất cứ bước đột phá nào tại Hội nghị thượng đỉnh EU-CELAC lần này.

Trong khi đó, MERCOSUR không chỉ mong muốn đạt thỏa thuận thương mại với châu Âu, mà còn hy vọng về một thỏa thuận công bằng, cùng có lợi.

Mặc dù còn tồn tại khác biệt, song các nhà lãnh đạo CELAC và EU hy vọng Hội nghị thượng đỉnh lần này là một không gian đối thoại quan trọng để tạo môi trường thuận lợi giúp mở rộng hơn nữa cánh cửa hợp tác giữa hai khu vực, nhằm cùng nhau đối phó thách thức chung toàn cầu, vì sự phát triển của hai khu vực và trên thế giới.