Trong nhiều thập kỷ qua, EU và Mỹ có mối quan hệ chặt chẽ về văn hóa, lịch sử, kinh doanh và quốc phòng, nhưng trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Ð.Trăm đã đưa ra các chính sách "đứng ngoài EU" trong nhiều vấn đề quốc tế cũng như ủng hộ việc Anh rời khỏi "mái nhà chung châu Âu". Theo đó, mối quan hệ xuyên Ðại Tây Dương giữa EU và Mỹ đã khá lạnh nhạt và không ít thời điểm còn mâu thuẫn, căng thẳng. Tuy nhiên, mối quan hệ song phương Mỹ - EU đang có triển vọng "sang trang mới", sau khi tân Tổng thống G.Bai-đơn nhậm chức.
Báo chí Mỹ cho biết, ngay sau khi ngồi vào "chiếc ghế nóng" ở Nhà trắng, tân Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đã ký 15 sắc lệnh hành pháp nhằm giải quyết những vấn đề như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng giữa các sắc tộc… Theo đó, tân Tổng thống Mỹ đã đảo ngược một số chính sách của người tiền nhiệm, trong đó có những chính sách từng gây căng thẳng quan hệ Mỹ - EU như việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Pa-ri về chống biến đổi khí hậu. Bởi vậy, việc ông G.Bai-đơn ký sắc lệnh như một sự khởi động cho tiến trình đưa nước Mỹ quay trở lại hiệp định này. Ngoài ra, quyết định hủy bỏ giấy phép của Tổng thống cho triển khai xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL cũng nhận được sự hoan nghênh của các nhà lãnh đạo châu Âu. Giới chức EU đã bày tỏ hy vọng và tin tưởng rằng mối quan hệ hai bờ Ðại Tây Dương sẽ lại nồng ấm trong thời gian tới.
Ngay sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo EU đã gửi đến ông G.Bai-đơn khá nhiều "lời hay ý đẹp" và niềm tin vào mối quan hệ xuyên Ðại Tây Dương trong thời gian tới. Trong một thông điệp qua vi-đê-ô, Tổng thống Ðức P.Xtên-may-ơ đã nhấn mạnh: "Chúng tôi kỳ vọng Mỹ trở lại bên chúng tôi như một đối tác không thể thiếu trong nhiều vấn đề tương lai, từ cuộc chiến chung và đoàn kết chống đại dịch Covid-19, bảo vệ khí hậu toàn cầu, vấn đề an ninh, kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị đến nhiều cuộc xung đột cấp bách trên thế giới". Thủ tướng Ðức A.Méc-ken trong lời chúc gửi tới lãnh đạo mới của Mỹ cũng bày tỏ kỳ vọng vào "một chương mới" trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo châu Âu đã hoan nghênh Mỹ quay trở lại Hiệp định Pa-ri và hy vọng Oa-sinh-tơn "kề vai sát cánh" với EU trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tổng thống Pháp E.Ma-crông nhấn mạnh: "Chúng ta luôn sát cánh bên nhau. Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn khi đối đầu với những thách thức, mạnh mẽ hơn để bảo vệ hành tinh của chúng ta. Chúc mừng quay trở lại Hiệp định Pa-ri". Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ A.Cru hôm 20-1 đã chúc mừng Tổng thống thứ 46 của Mỹ, nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 và cuộc chiến chống khủng bố đang là những ưu tiên hàng đầu trong một loạt những thách thức toàn cầu mà thế giới "chỉ có thể giải quyết thành công bằng cách làm việc cùng nhau". Không chỉ có các nhà lãnh đạo các nước thành viên EU mà Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn trong phát biểu tại Quốc hội Anh cũng vừa bày tỏ mong muốn được làm việc với chính quyền của ông G.Bai-đơn về những ưu tiên chung giữa hai nước và hy vọng tân Tổng thống Mỹ sẽ cùng Anh cam kết đạt được mức trung hòa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050.
Từ tín hiệu ngoại giao của giới chức châu Âu, có thể thấy lễ nhậm chức của ông G.Bai-đơn là "khởi đầu của một chương mới" tốt đẹp hơn cho mối quan hệ xuyên Ðại Tây Dương. Chủ tịch Ủy ban châu Âu U.Lây-en hôm 20-1 cũng ca ngợi việc ông G.Bai-đơn chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ như một "bình minh mới" cho châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, để "sưởi ấm" mối quan hệ nêu trên, chắc chắn trong thời gian tới hai bên còn rất nhiều việc phải làm để tháo gỡ bất đồng lớn về thương mại, biến đổi khí hậu, vấn đề hạt nhân của I-ran… vốn gây tranh cãi giữa hai bên.