Đà Nẵng từng bước số hóa, hướng đến du lịch thông minh

Thực hiện chiến lược phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả cao thời gian qua, Sở Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp Trung tâm Xúc tiến du lịch triển khai nhiều biện pháp phát triển đồng bộ thương hiệu du lịch Đà Nẵng trên không gian số. Qua đó, tăng cường trải nghiệm cho du khách, hướng đến mô hình phát triển du lịch thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên Trung tâm hỗ trợ du khách Đà Nẵng giới thiệu thông tin các nền tảng số cho du khách.
Nhân viên Trung tâm hỗ trợ du khách Đà Nẵng giới thiệu thông tin các nền tảng số cho du khách.

Trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động quảng bá du lịch, bộ nhận diện thương hiệu du lịch Danang FantastiCity do Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng quản lý đến nay đã phát triển và mở rộng trên bảy kênh truyền thông số.

Đa nền tảng, đa trải nghiệm

Theo báo cáo của Google và Temasek, dự kiến đến năm 2025, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam sẽ lên tới 9 tỷ USD. Điều này cho thấy, công nghệ đã, đang và sẽ tạo nhiều cơ hội tiềm năng cho ngành du lịch. Các dịch vụ đặt chỗ, đặt tour, quảng bá điểm vui chơi, ăn uống,... trên các nền tảng số ngày càng tăng trưởng và tác động lớn đến quyết định của du khách. Tính cạnh tranh trong các sản phẩm du lịch vì thế càng trở nên gay gắt hơn ngay trên internet. Từ chủ trương chuyển đổi số ngành du lịch, Sở Du lịch Đà Nẵng và các đơn vị hữu quan đã tập trung số hóa các điểm đến một cách thông minh và tiện dụng; chú trọng hơn trong cung cấp thông tin cho du khách đến tham quan.

Tại điểm du lịch Chợ Hàn, sau khi được giới thiệu và tương tác nhanh với các nền tảng số Danang FantastiCity, du khách người Australia James Bushell chia sẻ: “Những công cụ thân thiện này sẽ rất hữu dụng với những người đang cần thông tin về các điểm tham quan tại Đà Nẵng, giúp chúng tôi bớt lo lắng về nguy cơ xảy ra rủi ro trong chuyến đi”.

Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, trong chín tháng năm 2023, Cổng thông tin du lịch thành phố Đà Nẵng đã tiếp cận hơn 1.253.473 người dùng, với thời gian truy cập trung bình là 1 phút 25 giây cho mỗi lượt. Các nền tảng trên mạng xã hội cũng đã tiếp cận với 3.882.810 người dùng Facebook, 78.075 người dùng Instagram và 55.219 người theo dõi trên TikTok. Bên cạnh đó, nhằm quảng bá du lịch Đà Nẵng với thị trường ngoài nước, Danang FantastiCity cũng đều đặn đăng 8-10 tin/tháng trên trang Naver Blog của Hàn Quốc. Sau năm tháng hoạt động, Naver Blog Danang FantastiCity đã tiếp cận hơn 3.000 người dùng.

Để đạt được những con số nêu trên, Danang FantastiCity phải liên tục thông tin, bắt kịp trào lưu trong các hoạt động du lịch; chọn ra các ứng dụng và các trang mạng xã hội với ngôn ngữ phù hợp theo từng phân khúc thị trường; tăng tính tương tác và hợp tác với các KOL (người có sức ảnh hưởng)... Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An cho rằng: “Trong phát triển nền tảng số, cần phải có nhân sự chuyên môn về Digital Marketing để phát triển nội dung, tối ưu hóa hoạt động của các kênh”.

Trực tiếp phụ trách phát triển nền tảng số Danang FantastiCity, anh Nguyễn Đắc Huân cho biết, nền tảng marketing trực tuyến của điểm đến cần phải đáp ứng được nhu cầu thông tin trong mỗi thời điểm chuyến đi của du khách, nhất là thời điểm trước và trong chuyến đi, đồng thời, được quản lý hoặc kết hợp tốt với các đại lý du lịch trực tuyến OTA, nhằm nắm bắt được mức độ hài lòng của du khách.

Theo đó, trước chuyến đi, du khách sẽ tìm kiếm thông tin về lịch trình, phương tiện di chuyển, lưu trú và ẩm thực tại điểm đến. Trong chuyến đi, du khách có xu hướng sử dụng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram, X (trước đây là Twitter)... để chia sẻ trải nghiệm. Sau chuyến đi, du khách lại có xu hướng đánh giá trải nghiệm của mình thông qua mạng xã hội, hoặc các nền tảng đặt chỗ trực tuyến như: Agoda, Traveloka, Booking, Airbnb... “Điều này đồng nghĩa với việc điểm đến nào cung cấp thông tin một cách rõ ràng, chính xác và hấp dẫn nhất, thì sẽ tác động lớn đến quyết định chọn điểm đến của du khách”, anh Huân cho hay.

Nâng tầm trải nghiệm số

Để phục hồi và tạo ra trải nghiệm mới trong du lịch, từ năm 2020, Đà Nẵng đã chủ động xây dựng và phát triển ứng dụng thực tế ảo VR360-“Một chạm đến Đà Nẵng” tại địa chỉ https://vr360.danangfantasticity.com/ với nhiều tính năng ưu việt. Đây là sản phẩm hoàn toàn mới, tiên phong đổi mới công nghệ của ngành du lịch Đà Nẵng.

Tính đến tháng 9/2023, tổng lượt truy cập thực tế ảo VR360 là 748.000 người. Trong giai đoạn 3, VR360 tiếp tục đưa ra một số sản phẩm video mới như: định dạng 360 cầu Rồng phun lửa, trải nghiệm dù lượn tại bán đảo Sơn Trà, thưởng ngoạn Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023, Vũ hội đường phố,... Hiện đại hơn, đội ngũ phát triển đã tích hợp cả công nghệ thực tế tăng cường (AR) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào ứng dụng thông qua hai sản phẩm Gian hàng ảo (VRMall), cho các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch và Cổng tư vấn không gian đa chiều 1:1 Metaverse Space trên nền tảng 3D, cho du khách trong và ngoài nước.

Anh Nguyễn Đắc Huân cho biết AR, VR hay AI đều là các tính năng bổ trợ, không phải một ứng dụng riêng biệt, có chức năng tăng trải nghiệm, thời gian của người dùng trên nền tảng số.

“Công nghệ khiến người dùng thông minh và khắt khe hơn trong việc đưa ra quyết định cuối cùng. Một điểm đến quản lý tốt cần trang bị cho mình tất cả các ứng dụng như trên và không bị chênh lệch về mức độ hài lòng cho du khách trước, trong và sau khi đi du lịch. Ngoài ra xu hướng đi du lịch tự túc không thông qua kênh trung gian chính là sự thay đổi lớn nhất trong thời điểm hiện tại”, anh Huân nhận định.

Đẩy mạnh thực hiện theo Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp truyền thông với các thị trường ngoài nước; hợp tác và phối hợp các đơn vị viễn thông, doanh nghiệp du lịch triển khai thẻ du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và các công nghệ mới khác, nhằm đưa đến những dịch vụ tốt nhất về trải nghiệm, tăng giá trị và sức hấp dẫn của các điểm đến du lịch đối với du khách; đồng thời, triển khai ứng dụng theo hướng tất cả dịch vụ du lịch trong một ứng dụng, hỗ trợ khách du lịch trong toàn bộ quá trình trước, trong và sau chuyến đi.